Quy trình kế toán thuế chi tiết cần biết

Nhằm đảm bảo công việc hoạt động hiệu quả và năng suất, kế toán thuế của các doanh nghiệp thường thiết lập quy trình kế toán chuẩn chỉnh và logic. Vậy quy trình kế toán thuế gồm những bước nào? Công việc của bộ phận kế toán thuế trong doanh nghiệp là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Bảy bước quy trình kế toán thuế cần biết

Bước 1: Ghi nhận những nghiệp vụ kinh tế phát sinh

Bước đầu tiên trong quá trình kế toán thuế là giải quyết & ghi nhận những nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Đây là những công việc phát sinh hàng ngày liên quan đến tài chính của doanh nghiệp.

Bước 2: Tiến hành lập chứng từ kế toán

Kế toán thuế sẽ tiến hành lập các chứng từ kế toán sau khi một nghiệp vụ kinh tế xảy ra. Đây là căn cứ pháp lý chứng minh cho sự phát sinh và hoàn thành giao dịch của doanh nghiệp.

Bước 3: Ghi sổ sách kế toán

Dựa trên chứng từ kế toán đã lập, kế toán thuế sẽ tiến hành ghi chép và lưu trữ vào Sổ sách kế toán. Đây cũng là cơ sở để phục vụ cho các mục đích tổng hợp, báo cáo và làm tài liệu.

Bước 4: Công việc trong thời điểm cuối kỳ

Kế toán thuế sẽ thực hiện bút toán cuối kỳ, bút toán kết chuyển và khóa sổ kế toán. Đây là căn cứ cho kế toán xác định thu nhập doanh nghiệp và tính số thuế cần phải nộp cho Nhà nước.

Bước 5: Lập bảng cân đối số phát sinh

Dựa vào Sổ cái và sổ chi tiết đã được khóa sổ, kế toán thuế sẽ Lập bảng cân đối số phát sinh.

Bước 6: Lập báo cáo tài chính, quyết toán thuế

Dựa vào sổ cái và dựa vào sổ chi tiết, kế toán thuế tiến hành lập báo cáo tài chính. Đồng thời, tiến hành lập báo cáo quyết toán thuế TNDN và quyết toán TNCN.

Bước 7: In sổ sách, đóng quyển, lưu kho

Đây là công việc cuối cùng và quan trọng của kế toán thuế. Việc lưu trữ giúp dễ tra cứu và lập các báo cáo về sau.

quy-trinh-ke-toan-thue

Công việc của kế toán thuế gồm những gì?

Dựa trên quy trình kế toán thuế ở trên, kế toán thuế sẽ thực hiện những công việc định kỳ diễn ra hàng ngày, hàng tháng, hàng quý và hàng năm.

Công việc hàng ngày

  • Thu thập các hóa đơn, chứng từ (phiếu chi, phiếu thu, giấy nộp tiền) khi doanh nghiệp phát sinh các nghiệp vụ mua – bán… ;
  • Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ và sai sót của các hóa đơn, chứng từ này. Nếu có thì cần phải xử lý ngay;
  • Sau đó, kế toán thuế lưu trữ hóa đơn, chứng từ.

Công việc làm hàng tháng

  • Lập tờ kê khai các loại thuế như thuế GTGT, thuế TNCN (nếu doanh nghiệp kê khai theo tháng) cùng các loại thuế khác;
  • Lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn hàng tháng;
  • Tiến hành trích khấu hao tài sản cố định và phân bổ công cụ, dụng cụ;

Công việc hàng quý

  • Lập tờ kê khai các loại thuế như thuế GTGT, thuế TNCN, thuế TNDN (nếu doanh nghiệp kê khai theo tháng);
  • Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp trong quý.

Công việc hàng năm

Vào đầu năm, kế toán thuế sẽ:

  • Nộp thuế môn bài cho doanh nghiệp.
  • Lập tờ khai thuế GTGT, thuế TNCN tháng 12 hoặc quý IV của năm trước cùng thuế TNDN tạm tính của quý IV của năm trước.
  • Lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của quý IV của năm trước.

Vào cuối năm:

  • Lập báo cáo tài chính tài chính năm, gồm Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bản thuyết minh báo cáo tài chính.
  • Lập báo cáo quyết toán thuế TNCN và thuế TNDN năm.

quy-trinh-ke-toan-thue

Quy định cần biết về kỳ kế toán thuế

Theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 111/2021/TT-BTC, kỳ kế toán thuế được xác định theo năm dương lịch, gọi là năm kế toán. Cụ thể:

  • Kỳ kế toán thuế được tính từ đầu ngày 1/1 đến hết ngày 31/12 năm dương lịch.
  • Đối với đơn vị mới thành lập, kỳ kế toán thuế năm đầu tiên được xác định từ đầu ngày quyết định thành lập mới, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập đơn vị kế toán thuế có hiệu lực đến hết ngày 31/12 năm dương lịch.
  • Đối với đơn vị kế toán thuế khi bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể… kỳ kế toán thuế cuối cùng được tính từ ngày 1/1 đến hết ngày trước ngày quyết định chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đơn vị kế toán thuế có hiệu lực.
  • Thời gian của kỳ kế toán thuế năm đầu tiên, năm cuối cùng thực hiện theo hướng dẫn Luật kế toán 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cần lưu ý thời điểm đóng kỳ kế toán thuế là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán. Nếu trùng với ngày nghỉ theo quy định, ngày đóng sẽ là ngày làm việc liền kề của ngày nghỉ đó. Nếu do nguyên nhân khách quan cần phải lùi thì phải có được sự phê duyệt của Tổng cục Thuế.

Nếu phát hiện sai sót số liệu kế toán và không được điều chỉnh vào kỳ kế toán thuế theo thông tin năm kế toán nêu trên, kế toán thuế sẽ thực hiện hạch toán vào kỳ kế toán thuế của năm hiện tại. Đồng thời, kế toán thuế cũng sẽ bổ sung thông tin năm ngân sách với giá trị “01” để làm cơ sở thuyết minh trên báo cáo kế toán thuế của năm hiện tại.