Kế toán thuế là gì? Cần chú ý gì khi làm kế toán thuế?

Kế toán thuế được xem là bộ phận quan trọng và nhận nhiều áp lực của doanh nghiệp. Vậy kế toán thuế là gì, làm những công việc nào? Những điều kế toán thuế cần chú ý là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Kế toán thuế là gì?

Một trong những nguồn thu thuế chính của Nhà nước đến từ doanh nghiệp. Thuế cũng là nghĩa vụ mà doanh nghiệp cần phải thực hiện với Nhà nước nếu không muốn bị xử phạt.

Vậy có những loại thuế nào doanh nghiệp cần phải nộp cho Nhà nước? Cách tính những loại thuế này như thế nào? Doanh nghiệp bị lỗ có phải nộp thuế không? Đây cũng chính là lúc bộ phận kế toán thuế ra đời để xử lý những vấn đề này.

Vậy kế toán thuế là gì? Hiểu đơn giản, đây là bộ phận kế toán thu thập, tổng hợp, xử lý các vấn đề liên quan đến thuế. Các công việc của bộ phận này sẽ thực hiện hàng ngày, hàng tháng, hàng quý và hàng năm. Đây cũng là bộ phận thực hiện việc khai báo và nộp thuế cho doanh nghiệp.

Kế toán thuế được xem là bộ phận quan trọng của doanh nghiệp khi giúp doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ thuế. Nhờ đó, đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng của doanh nghiệp đối với Nhà nước.

Đồng thời, bộ phận này còn đóng vai trò tham mưu khi cập nhật liên tục các quy định mới của Luật thuế. Chẳng hạn, mặt hàng kinh doanh của doanh nghiệp có phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không, có được hưởng chính sách ưu đãi nào trong quy định mới của Luật thuế không? Từ đó, giúp doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh tốt hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Những chú ý cần biết khi làm kế toán thuế là gì?

Khi đã biết kế toán thuế là gì, chúng ta sẽ tìm hiểu về những điều cần chú ý khi làm ở bộ phận này. Bài viết sẽ tập trung chủ yếu vào 3 vấn đề chính là thuế giá trị gia tăng (GTGT),  lưu trữ hóa đơn đầu vào – đầu ra và thời gian nộp báo cáo

Chú ý về thuế GTGT

Khi kê khai thuế GTGT, kế toán thuế cần chú ý:

  • Chỉ kê khai khi có hóa đơn gốc (nếu mua hàng trong nước) hoặc giấy nộp thuế gốc (nếu mua hàng nhập khẩu). Nếu chỉ có bản sao các giấy tờ trên thì cần phải yêu cầu bản gốc sớm. Tránh việc sau này khi cần nộp hoặc kê khai lại không có. Đồng thời, nên ghi chú lại để tránh việc bị quên.
  • Khi kê khai hàng nhập khẩu, không dựa vào tờ khai hải quan mà phải dựa vào giấy nộp thuế.
  • Sau khi kê khai và nộp báo cáo xong, cần xuất tờ khai và lưu lại vào một thư mục lưu trữ riêng. Sau này, khi có quyết toán sẽ cần sử dụng. Tránh việc chỉ lưu trên phần mềm ứng dụng Hỗ trợ kê khai thuế (HTKK). Vì có thể ứng dụng cập nhật có thể khiến bạn bị mất dữ liệu.

Chú ý khi lưu trữ hóa đơn đầu vào – đầu ra

Việc lưu trữ hóa đơn cực kỳ quan trọng. Vậy, những điều cần biết khi lưu trữ chứng từ này của kế toán thuế là gì?

Đối với hóa đơn đầu vào, kế toán thuế cần:

  • Lưu trữ hóa đơn theo từng tháng, từng quý (tùy theo lượng hóa đơn thực tế của mỗi doanh nghiệp). Thứ tự sắp xếp sẽ tương tự như trên tờ khai thuế GTGT.
  • Trường hợp lưu trữ theo quý, cần kẹp thêm Tờ khai Tổng hợp sử dụng hóa đơn, tờ khai thuế TNCN, tờ khai thuế TNDN tạm tính.
  • Lưu trữ cùng Sổ cái 133 (Thuế GTGT được khấu trừ) đã hạch toán khớp với bảng kê mua vào. Qua đó, tiện cho việc đối chiếu giữa sổ kế toán và báo cáo thuế.
  • Đối với hóa đơn trên 20 triệu đồng, cần phải chuyển khoản ngân hàng thì mới được khấu trừ thuế GTGT đầu vào . Trường hợp này, kế toán thuế cần lưu trữ hóa đơn cùng ủy nhiệm chi thanh toán.

Còn đối với hóa đơn đầu ra, kế toán thuế cần:

  • Đánh số hóa đơn theo thứ tự cuốn (trường hợp mua của thuế). Số hóa đơn sẽ được theo trình tự sử dụng và thời gian sử dụng. Chẳng hạn, nếu dùng cuốn số 1 trong thời gian từ 1/1/2023 – 31/1/2023, chúng ta sẽ dán nhãn tương ứng bên ngoài. Nhờ đó, tiết kiệm thời gian tìm kiếm.
  • Nếu có hóa đơn hủy, cần lưu trữ lại thành filce Excel để tiện kiểm tra, đối chiếu.
  • Nếu hóa đơn bị ghi sai và đã kê khai, cần phải lập biên bản điều chỉnh và xuất hóa đơn điều chỉnh. Trường hợp chưa kê khai, lập biên bản thu hồi và xuất hóa đơn mới.

nghiep-vu-ke-toan-thue

Mốc thời gian nộp báo cáo của kế toán thuế là gì?

Một trong những nhiệm vụ chính của kế toán thuế chính là nộp báo cáo thuế và tình hình sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp đúng thời gian. Do đó, kế toán thuế cần chú ý để nộp đúng hạn những báo cáo này.

Đối với nộp phí môn bài và các báo cáo thuế, kế toán viên cần chú ý:

  • Phí môn bài: Nộp chậm nhất vào ngày 30/1 hàng năm.
  • Báo cáo thuế tháng: Chậm nhất là ngày 20 đối với tháng tiếp theo liền kề.
  • Báo cáo thuế quý: Chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu tiên của quý tiếp theo liền kề.
  • Báo cáo thuế năm: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 trong năm tiếp theo.

Đối với mốc thời hạn nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, kế toán thuế cần chú ý:

  • Nộp chậm nhất ngày 20 của tháng tiếp theo nếu doanh nghiệp nộp theo tháng.
  • Nộp chậm nhất ngày 30 tháng đầu tiên của quý sau nếu doanh nghiệp nộp theo quý.