Giảm trừ doanh thu hạch toán như thế nào?

Khi kinh doanh, doanh nghiệp sẽ gặp phải những khoản khiến doanh thu bị giảm trừ. Vậy những khoản nào được xem là giảm trừ doanh thu? Kế toán giảm trừ doanh thu hạch toán như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Giảm trừ doanh thu là gì?

Giảm trừ doanh thu là những khoản phát sinh được điều chỉnh để làm giảm thu nhập từ việc bán hàng hóa, sản phẩm, cung cấp dịch vụ của công ty trong kỳ kế toán. Tùy thuộc vào từng hệ thống kế toán, các doanh nghiệp sẽ giảm trừ doanh thu theo những phương pháp khác nhau.

Nhìn chung, có 3 khoản giảm trừ chính. Đó là:

  • Chiết khấu thương mại: Đây là số tiền giảm giá công ty áp dụng ưu đãi cho các khách hàng mua hàng hóa, sản phẩm… với số lượng lớn;
  • Giảm giá hàng bán: Công ty bán cho khách hàng với giá chiết khấu. Áp dụng khi khách hàng mua hàng hóa, sản phẩm kém chất lượng. Hoặc hàng hóa không đạt yêu cầu về chất lượng theo hợp đồng đã ký;
  • Hàng bán bị trả lại: Đây là số hàng bị khách hàng trả lại. Nguyên nhân là do hàng hóa, sản phẩm bị hư hỏng do lỗi nhà sản xuất; hàng hóa không đạt chất lượng…

ke-toan-giam-tru-doanh-thu

Tài khoản sử dụng hạch toán các khoản giảm trừ doanh thu

Kế toán doanh thu sẽ hoạch toán các khoản khiến doanh thu bị giảm trừ vào Tài khoản 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu. Cần lưu ý là TK 521 áp dụng khi doanh nghiệp sử dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200. Còn nếu sử dụng Thông tư 133 thì hạch toán thẳng vào TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Tài khoản 521 sẽ chỉ phản ánh các khoản giảm trừ do bán hàng kém, các khoản chiết khấu sau bán hàng không đảm bảo chất lượng (đã ghi nhận doanh thu) và phát hành ngoài hóa đơn (chiết khấu ngoài hóa đơn) …

Đối với trường hợp hàng bị trả lại, tài khoản 521 dùng để ghi nhận giá trị sản phẩm, hàng hóa khách hàng trả lại vì các lý do: vi phạm nghĩa vụ, vi phạm hợp đồng thương mại, hàng lỗi, không đúng chủng loại, quy cách….

+ Kết cấu của TK 521 gồm:

Bên Nợ:

  • Số tiền chiết khấu thương mại;
  • Số lượng giảm giá hàng hóa;
  • Doanh thu của hàng hóa bán bị trả lại, đã trả lại tiền cho người mua. Hoặc trừ vào khoản phải thu khách hàng về sản phẩm, hàng hóa đã bán.

Bên Có:

  • Kết chuyển toàn bộ số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, doanh thu của hàng hóa bán bị trả lại sang TK 511 để xác định doanh.

Tài khoản 521 không có số dư cuối kỳ. Bên cạnh đó, tài khoản này có 6 tài khoản cấp 2:

  • TK 5211 – Chiết khấu thương mại;
  • TK 5212 – Hàng bán bị trả lại;
  • TK 5213 – Giảm giá hàng bán;
  • TK 5114 – Doanh thu trợ cấp, trợ giá;
  • TK 5117 – Doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư;
  • TK 5118 – Doanh thu khác.

Hạch toán các khoản giảm trừ doanh thu như thế nào?

Các chứng từ sử dụng khi hạch toán các khoản giảm trừ doanh thu

Để hạch toán các khoản giảm trừ doanh thu, kế toán doanh thu sẽ thu thập các chứng từ sau:

  • Chiết khấu thương mại: Hóa đơn với tỷ lệ và số tiền chiết khấu rõ ràng, văn bản chính sách chiết khấu thương mại của doanh nghiệp;
  • Giảm giá hàng bán: Văn bản chấp thuận việc giảm giá, hóa đơn giá trị gia tăng…;
  • Hàng bán trả lại: Biên bản để ghi nhận lý do hàng hóa trả lại và bàn giao hàng hóa, hóa đơn giá trị gia tăng, phiếu xuất nhập kho khi hàng bị trả lại về kho.

Hạch toán các khoản chiết khấu thương mại

+ Nếu tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, kế toán hạch toán khoản giảm trừ doanh thu như sau:

Nợ TK 5211: Chiết khấu thương mại cho khách hàng

Nợ TK 3331: Thuế giá trị gia tăng phải nộp đã ghi nhận nay ghi giảm

Có TK 111, 112, 131: Tổng giá trị chiết khấu cho khách.

+ Nếu tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp:

Nợ TK 5211: Chiết khấu thương mại cho khách hàng

Có TK 111, 112, 131: Tổng giá trị chiết khấu cho khách

ke-toan-doanh-thu-hoat-dong-tai-chinh

Hạch toán giảm giá hàng bán phát sinh trong kỳ

+ Nếu tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, kế toán hạch toán khoản giảm trừ doanh thu như sau:

Nợ TK 5213: Giá trị hàng giảm cho khách hàng

Nợ TK 3331: Thuế giá trị gia tăng phải nộp đã ghi nhận nay ghi giảm

Có TK 111, 112, 131: Tổng giá trị hàng giảm cho khách hàng

+ Nếu tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp:

Nợ TK 5213: giá trị hàng giảm cho khách hàng

Có TK 111, 112, 131: Tổng giá trị giảm cho khách hàng

Hạch toán khoản hàng đã bán mà khách hàng trả lại

+ Nếu tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, kế toán hạch toán khoản giảm trừ doanh thu như sau:

Nợ TK 5212: Doanh thu của số hàng bị trả lại

Nợ TK 3331: Thuế giá trị tăng phải nộp

Có TK 111, 112, 131: Tổng doanh thu

+ Nếu tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp:

Nợ TK 5212: Doanh thu của số hàng bị trả lại

Có TK 111, 112, 131: Tổng doanh thu bao gồm cả thuế

+ Sau khi hàng bán bị trả lại đã về kho, kế toán hạch toán:

Nợ TK 156: Giá trị hàng bị trả lại nhập kho

Có TK 632: Giá vốn hàng bị trả lại

Hạch toán cuối kỳ khoản giảm trừ doanh thu bán hàng

Vào đến cuối kỳ kế toán, kế toán doanh thu sẽ kết chuyển các khoản doanh thu vào TK 511 để tính doanh thu thuần. Lúc này, kế toán ghi:

Nợ TK 511: Các khoản giảm trừ làm doanh thu giảm

Có TK 5211: Chiết khấu thương mại làm doanh thu giảm

Có TK 5213: Giảm giá hàng bán làm doanh thu giảm

Có TK 5212: Hàng bán bị trả lại làm doanh thu giảm.