Kế toán thuế GTGT được khấu trừ: Phương pháp hạch toán

Khấu trừ thuế GTGT là phương pháp kê khai thuế GTGT được sử dụng phổ biến. Công ty nào sử dụng phương pháp khấu trừ thuế? Kế toán thuế GTGT được khấu trừ sẽ hạch toán vào tài khoản nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Khấu trừ thuế GTGT là gì?

Thuế GTGT là loại thuế gián thu quan trọng. Thuế này là nguồn thu lớn và có vai trò lớn đối với ngân sách Nhà nước. Người tiêu dùng cuối cùng sử dụng hàng hóa, dịch vụ sẽ là đối tượng chịu thuế. Còn doanh nghiệp sẽ là chủ thể đi nộp thuế cho Nhà nước.

Có 2 phương pháp tính thuế GTGT là phương pháp khấu trừ và phương pháp tính trực tiếp. Và khấu trừ thuế GTGT là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất. Phương pháp này giúp đơn giản hóa quá trình quản lý và thu thuế của cơ quan thuế. Đồng thời, giúp hoạt động hạch toán được diễn ra rõ ràng, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn pháp luật.

Theo phương pháp khấu trừ, kế toán thuế GTGT được khấu trừ sẽ xác định số thuế phải nộp bằng công thức:

  • Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào

Trong đó, thuế GTGT đầu ra xuất hiện khi doanh nghiệp bán hàng hóa, sản phẩm cho người tiêu dùng hoặc cho doanh nghiệp khác. Còn thuế GTGT đầu vào là thuế GTGT doanh nghiệp phải chịu khi mua hàng hóa, sản phẩm.

Để sử dụng phương pháp này, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Doanh thu ít nhất phải đạt mức 1 tỷ đồng/năm;
  • Sổ sách kế toán, hóa đơn và chứng từ mua bán được hoàn thành đúng theo quy định pháp luật;
  • Có chứng từ giao dịch tiền qua ngân hàng (nếu hóa đơn trên 20 triệu đồng) đối với các hợp đồng bán hàng – gia công hàng hóa xuất khẩu.

ke-toan-thue-gtgt-duoc-khau-tru

Doanh nghiệp cần làm gì để được khấu trừ thuế hợp lệ?

Để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào hợp lệ, doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

  • Có đầy đủ hóa đơn thuế GTGT hợp lệ của hàng hóa – dịch vụ đã mua vào;
  • Đảm bảo có chứng từ xác nhận giao dịch thanh toán có giá trị trên 20 triệu của ngân hàng với hàng hóa – dịch vụ đã mua vào;
  • Trường hợp là hàng hóa – dịch vụ xuất khẩu, doanh nghiệp cần đáp ứng 2 yêu cầu trên. Đồng thời, cần phải có hợp đồng bán – gia công hàng hóa xuất khẩu với chứng từ thanh toán tiền hàng qua ngân hàng.

Bên cạnh đó, kế toán thuế GTGT được khấu trừ cần lưu ý đối trường hợp hóa đơn dưới 20 triệu đồng. Cụ thể, tại một nhà cung cấp, doanh nghiệp mua nhiều lần trong ngày. Dù mỗi hóa đơn đều thấp hơn 20 triệu đồng nhưng giao dịch nhiều lần, tổng số hóa đơn sẽ lớn hơn 20 triệu đồng. Do đó, chỉ những hóa đơn kèm chứng từ ngân hàng mới được coi là hợp lệ. Còn nếu không, doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ thuế GTGT.

Trường hợp không có chứng từ, doanh nghiệp phải kê khai và điều chỉnh giảm chi phí đối với giá trị của hóa đơn đã thực hiện thanh toán.

Kế toán thuế GTGT được khấu trừ hạch toán vào tài khoản nào?

Tài khoản 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Theo đó, kế toán thuế GTGT được khấu trừ sẽ theo dõi trên TK 133. Trong đó:

  • Bên Nợ: Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
  • Bên Có: Số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ; Kết chuyển thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ; Thuế GTGT đầu vào của vật tư, hàng hóa mua vào nhưng đã trả lại, được chiết khấu, giảm giá; Thuế GTGT đầu vào đã được hoàn lại.

Số dư bên Nợ của TK 133 sẽ phản ánh số thuế GTGT đầu vào còn được khấu trừ; thuế GTGT đầu vào được hoàn lại nhưng chưa hoàn trả.

Bên cạnh đó, TK 133 có 2 tài khoản cấp 2. Đó là:

  • Tài khoản 1331 (Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ): Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của vật tư, hàng hóa, dịch vụ mua ngoài dùng vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế.
  • Tài khoản 1332 (Thuế GTGT được khấu trừ của tài sản cố định): Phản ánh thuế GTGT đầu vào của quá trình đầu tư, mua sắm tài sản cố định, bất động sản đầu tư dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế.

ke-toan-thue-la-gi

Nguyên tắc kế toán thuế GTGT được khấu trừ đối với TK 133

Khoản 1 Điều 18 Thông tư 133/2016/TT-BTC quy định kế toán thuế GTGT được khấu trừ đối với TK 133 phải theo các nguyên tắc sau:

  • TK 133 dùng để phản ánh thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp được khấu trừ, đã khấu trừ và còn được khấu trừ;
  • Phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ. Nếu không thể hạch toán riêng thì thuế GTGT đầu vào đưa vào TK 133. Đến cuối kỳ, kế toán thuế phải xác định được phần thuế được khấu trừ và không được khấu trừ theo đúng quy định;
  • Tùy từng trường hợp, thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ sẽ tính vào giá trị tài sản được mua. Hoặc giá vốn của hàng bán, chi phí sản xuất, kinh doanh;
  • Việc xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, kê khai, quyết toán bắt buộc phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.