Tìm hiểu kế toán thuế – Trách nhiệm của kế toán thuế?

Trong hoạt động kế toán của doanh nghiệp, kế toán thuế là phần cực kỳ quan trọng. Vậy kế toán thuế là gì? Trách nhiệm của bộ phận này gồm những gì? Uy Danh sẽ giúp các bạn giải đáp trong bài viết dưới đây.

Định nghĩa về kế toán thuế

Kế toán thuế là nghĩa vụ của doanh nghiệp với Nhà nước. Đây là hành động kế toán thực hiện nhiệm vụ tính toán, khai báo các loại thuế trong doanh nghiệp đối với cơ quan thuế.

Theo thông tư 111/2021/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thuế nội địa, kế toán thuế là việc cơ quan thuế các cấp thực hiện thu thập, ghi chép, phản ánh toàn bộ số phát sinh về tiền thuế do cơ quan thuế. Bao gồm thuế phải thu, đã thu, còn phải thu, phải hoàn, đã hoàn, còn phải hoàn, miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ trong quá trình thực hiện hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế.

Kế toán thuế sẽ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn Nhà nước. Nhờ nghiệp vụ kế toán này, các doanh nghiệp sẽ rõ ràng, minh bạch hơn trong hoạt động kinh doanh sản xuất. Trong khi đó, nền kinh tế chung cũng sẽ được cơ quan Nhà nước quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Trách nhiệm của kế toán thuế trong doanh nghiệp

Trong bất kỳ doanh nghiệp nào, kế toán thuế luôn là thành phần bắt buộc không thể thiếu. Trách nhiệm của bộ phận này bao gồm:

  • Thực hiện tổng hợp tất cả các hóa đơn, chứng từ phát sinh trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp để hạch toán;
  • Kiểm tra, đối chiếu hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) với bảng kê khai thuế đầu vào, đầu ra;
  • Tiến hành báo cáo thuế hàng tháng, hàng quý, hàng năm, nộp thuế cũng như lập hồ sơ hoàn thuế nếu có;
  • Thực hiện các báo cáo tài chính, báo cáo thuế cuối năm, báo cáo thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thuế thu nhập cá nhân
  • Làm việc trực tiếp với cơ quan quản lý thuế khi có bất kỳ vấn đề gì phát sinh;
  • Lập báo cáo tháng tổng hợp thuế GTGT đầu ra và đầu vào của doanh nghiệp;
  • Thực hiện báo cáo tình hình nộp ngân sách, tồn đọng ngân sách, hoàn thuế của doanh nghiệp;
  • Tiến hành lập báo cáo tổng hợp thuế theo định kỳ hoặc đột xuất;
  • Kiểm tra hóa đơn đầu vào, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn thuế theo hàng tháng, hàng quý
  • Lập kế hoạch thuế GTGT thu nhập doanh nghiệp và nộp ngân sách;
  • Cập nhật theo dõi việc giao nhận hóa đơn;
  • Theo dõi, cập nhật kịp thời các thông tin cũng như thay đổi của luật thuế;
  • Thực hiện các công việc khác có liên quan đến kế toán thuế của doanh nghiệp.

Các công việc của kế toán thuế

Nhìn chung, kế toán thuế sẽ có các công việc được chia theo: hàng ngày, tháng tháng, hàng quý và hàng năm.

ke-toan-thue-la-gi-uydanh-2

Công việc thực hiện hàng ngày

Đối với những công việc hàng ngày, kế toán thuế cần:

  • Thu nhập và xử lý các hóa đơn đầu ra, đầu vào;
  • Thực hiện hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến dòng tiền trong ngân hàng như tiền ra, tiền vào;
  • Thực hiện nộp tiền thuế (trường hợp phát sinh thuế phải nộp) để tránh nộp chậm và bị xử phạt hành chính;
  • Tiến hành hạch toán các nghiệp vụ về quỹ dựa vào các phiếu chi, phiếu thu, giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước
  • Kiểm tra tính hợp lý cũng như phát hiện lỗi sai (nếu có) của hóa đơn
  • Sắp xếp, lưu trữ và bảo quản cẩn thận các hóa đơn chứng từ.

Công việc thực hiện hàng tháng

Hàng tháng, bộ phận kế toán sẽ:

  • Kê khai thuế GTGT (nếu doanh thu của doanh nghiệp trên 50 tỷ VND) và thuế TNCN (nếu thuế TNCN của doanh nghiệp trên 50 triệu VND). Hoặc lập thêm các tờ kê khai thuế khác cho doanh nghiệp (nếu phát sinh);
  • Thực hiện báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn hàng tháng (nếu thời gian thành lập của doanh nghiệp dưới 12 tháng);
  • Tiến hành phân bổ công cụ, dụng cụ và trích khấu hao tài sản cố định;
  • Cân đối bảng cân đối kế toán để giúp công việc kế toán thuế không bị dồn vào cuối năm. Từ đó, khối công việc thực hiện sẽ ít hơn và đỡ áp lực hơn.

Thông thường, thời hạn để doanh nghiệp nộp tờ khai thuế tháng là ngày 20 của tháng tiếp theo.

Công việc thực hiện hàng quý

Mỗi quý, kế toán thuế sẽ thực hiện báo cáo và kê khai các tờ khai, gồm:

  • Tờ khai thuế GTGT (nếu doanh thu ít hơn 50 tỷ VND và doanh nghiệp là doanh nghiệp mới thành lập;
  • Tờ khai thuế Thu nhập cá nhân
  • Lập báo cáo về tình hình sử dụng hóa đơn (hóa đơn đã sử dụng hay hóa đơn bị hỏng) của doanh nghiệp.

Thông thường, thời hạn để doanh nghiệp nộp tờ khai thuế quý là ngày 30 của tháng tiếp theo.

Công việc thực hiện hàng năm

Công việc hàng năm của kế toán thuế sẽ tiếp tục được phân chia thành đầu năm và cuối năm.

Khi đầu năm, bộ phận này sẽ phải thực hiện những công việc là:

  • Nộp thuế môn bài cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp mới thành lập hoặc có thay đổi về thuế này, cần phải nộp kèm tờ khai. Thời hạn nộp thuế môn bài cho doanh nghiệp chậm nhất là ngày 30/1 hàng năm.;
  • Lập tờ khai thuế GTGT, thuế TNCN tháng 12 hoặc quý IV của năm trước cùng thuế TNDN tạm tính của quý IV của năm trước;
  • Lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của quý IV của năm trước.

Vào cuối năm, kế toán thuế cần lập báo cáo tài chính năm cho doanh nghiệp. Gồm các tài liệu: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Bảng cân đối kế toán, Bảng lưu chuyển tiền tệ, Bảng thuyết minh báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán thuế TNCN và thuế TNDN năm.

Đây cũng là thời điểm quan trọng và cực kỳ áp lực đối với bộ phận kế toán. Lúc này, bộ phận kế toán cần:

  • Kiểm tra, rà soát cũng như giải quyết toàn bộ các vấn đề còn tồn đọng trong năm tài chính;
  • Rà soát, kiểm tra từ tổng hợp đến chi tiết các số liệu tài chính trong báo cáo;
  • Lưu trữ sổ sách báo cáo tài chính để phục vụ cho việc quyết toán thuế sau này.

Thời hạn chậm nhất để nộp báo cáo tài chính năm là ngày thứ 90 của năm tiếp theo.