Khấu trừ thuế GTGT như thế nào?

Thuế GTGT là khoản thuế quan trọng của doanh nghiệp và Nhà nước. Vậy khấu trừ thuế GTGT là gì? Vai trò khấu trừ thuế là gì? Kế toán thuế sử dụng công thức nào để tính khấu thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ?Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Tìm hiểu khấu trừ thuế GTGT là gì?

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế gián thu. Loại thuế này được đánh trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ trong quá trình lưu thông. Đối tượng chịu thuế cuối cùng là người tiêu dùng. Tuy nhiên, chủ thể nộp thuế GTGT lại là các doanh nghiệp.

Một trong những phương pháp nộp thuế GTGT được sử dụng nhiều nhất là khấu trừ thuế (tính thuế theo phương pháp khấu trừ). Để sử dụng phương pháp này, doanh nghiệp cần phải đáp ứng:

  • Có doanh thu ít nhất 1 tỷ đồng/năm
  • Đã hoàn thành sổ sách kế toán, hóa đơn và chứng từ mua bán đáp ứng đúng quy định pháp luật;
  • Hợp đồng bán hàng – gia công hàng hóa xuất khẩu có chứng từ thanh toán tiền hàng qua ngân hàng (bắt buộc đối với hóa đơn trên 20 triệu đồng).

Công thức kế toán thuế sử dụng để tính toán khoản thuế GTGT doanh nghiệp phải nộp là:

  • Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào

Ví dụ, doanh nghiệp nhập một lô hàng với giá 600 triệu đồng. Mức thuế GTGT là 10% cho lô hàng >> Mức thuế GTGT đầu vào doanh nghiệp phải chịu là 60 triệu đồng.

Tiếp đến, trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp này bán lô hàng trên với giá 700 triệu đồng. Lúc này, người mua sẽ thanh toán số tiền 770 triệu đồng. Vì phải chịu thêm số thuế GTGT là 70 triệu đồng. Đây cũng là thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp phải nộp.

Khi đó, số thuế GTGT doanh nghiệp phải nộp là: 70 triệu – 60 triệu = 10 triệu đồng.

khau-tru-thue-gtgt

Các đặc điểm của khấu trừ thuế GTGT

Các đặc điểm của phương pháp khấu trừ thuế GTGT gồm:

  • Kết quả của phần thuế GTGT khấu trừ được xác định một cách trực tiếp. Con số này căn cứ trên số hiệu thuế trong các khâu bao gồm sản xuất, lưu hàng hóa – dịch vụ. Đây cũng là phần thuế nộp vào ngân sách Nhà nước;
  • Việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào sẽ dựa trên số lượng hàng hóa mà doanh nghiệp mua vào. Theo đó, số thuế GTGT đầu vào được căn cứ dựa trên hóa đơn khi doanh nghiệp mua bán hàng hóa – dịch vụ. Hoặc dựa trên các chứng từ nộp thuế nếu là hàng hóa nhập khẩu. Mức thuế suất GTGT sẽ tùy thuộc loại hàng hóa doanh nghiệp mua vào;
  • Khấu trừ thuế GTGT đầu ra là số thuế GTGT được khấu trừ trên số lượng hàng hóa mà doanh nghiệp bán ra cho người tiêu dùng.

Vai trò của khấu trừ thuế GTGT

Thuế GTGT đóng vai trò quan trọng đối với Nhà nước. Đây là nguồn thu lớn và tương đối ổn định của ngân sách Nhà nước. Chính vì thế, việc khấu trừ thuế GTGT sẽ giúp:

  • Xác định số thuế GTGT doanh nghiệp cần nộp cho từng khâu, từng chủ thể trong quy trình sản xuất – lưu thông hàng hóa. Từ đó, tránh việc thất thu thuế;
  • Đảm bảo bản chất của thuế GTGT là đánh chủ yếu vào người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ cuối cùng
  • Làm đơn giản hóa quá trình quản lý thuế và thu thuế. Giúp Nhà nước thu đủ số thuế cần thiết để điều tiết thu nhập của người tiêu dùng;
  • Tác động đến công tác kế toán của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đảm bảo quy trình hạch toán của các doanh nghiệp dựa trên chuẩn mực của pháp luật.

Thủ tục để doanh nghiệp được khấu trừ thuế

Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ thuế GTGT hợp lệ, doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

  • Đảm bảo đầy đủ hóa đơn thuế GTGT hợp lệ của hàng hóa – dịch vụ đã mua vào.
  • Có chứng từ xác nhận giao dịch thanh toán của ngân hàng với hàng hóa – dịch vụ đã mua vào (bắt buộc với hóa đơn trên 20 triệu đồng).
  • Trường hợp là hàng hóa – dịch vụ xuất khẩu, ngoài 2 yêu cầu trên, doanh nghiệp còn cần phải có hợp đồng bán – gia công hàng hóa xuất khẩu với chứng từ thanh toán tiền hàng qua ngân hàng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đối với các hóa đơn dưới 20 triệu đồng. Xét trường hợp mua cùng 1 nhà cung cấp nhiều hóa đơn nhỏ hơn 20 triệu đồng trong 1 ngày. Nếu tổng số hóa đơn lớn hơn 20 triệu đồng thì vẫn phải có chứng từ thanh toán ngân hàng. Còn nếu không, doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ thuế GTGT.

Trường hợp không có chứng từ, doanh nghiệp phải kê khai và điều chỉnh giảm chi phí đối với giá trị của hóa đơn đã thực hiện thanh toán.

cong-ty-dich-vu-ke-toan-thue

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi được khấu trừ thuế

Khi được khấu trừ thuế GTGT, doanh nghiệp có quyền:

  • Lập hồ sơ đề nghị khấu trừ thuế;
  • Đăng ký nộp thuế GTGT theo hình thức khấu trừ thuế;
  • Số tiền thuế được khấu trừ theo đúng quy định;
  • Nếu cán bộ thuế, cơ quan thuế có hành vi thực hiện khấu trừ thuế không đúng quy định, doanh nghiệp có quyền khởi kiện – khiếu nại.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo các nghĩa vụ sau:

  • Cung cấp cho cơ quan thuế đầy đủ giấy tờ chứng từ. Đồng thời, bổ sung các hồ sơ, chứng từ liên quan nếu thiếu.
  • Đảm bảo thực hiện đúng quy định và đầy đủ các quy định về kế toán – hóa đơn – chứng từ. Từ đó, có căn cứ hợp lệ, hợp pháp giúp doanh nghiệp xác định số thuế khấu trừ.