Thuế GTGT đầu vào là căn cứ quan trọng để xác định thuế GTGT phải nộp. Vậy kế toán thuế GTGT đầu vào hạch toán ra sao? Những trường hợp nào được xác định là thuế GTGT đầu vào hợp lệ hay không hợp lệ?
Tìm hiểu về thuế GTGT đầu vào
Thuế GTGT là nguồn thu quan trọng của Ngân sách Nhà nước. Người tiêu dùng cuối cùng của hàng hóa, dịch vụ sẽ là đối tượng chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, người nộp thuế sẽ là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Để xác định được thuế GTGT phải nộp, kế toán của doanh nghiệp sẽ xác định dựa 2 yếu tố. Đó là thuế GTGT đầu vào và thuế GTGT đầu ra. Trong đó, thuế GTGT đầu vào là số tiền thuế được ghi trên hóa đơn đầu vào. Đây là số tiền mà doanh nghiệp trả khi mua hàng hóa, dịch vụ từ các nhà cung cấp, doanh nghiệp khác.
Việc kế toán thuế GTGT đầu vào xác định được thuế GTGT đầu vào sẽ giúp doanh nghiệp tính được số thuế GTGT được giảm. Đồng thời, giúp kế toán tính chính xác được thuế GTGT phải nộp cho cơ quan thuế.
Kế toán thuế GTGT đầu vào tính theo công thức nào?
Hiện nay, có 2 phương pháp kê khai thuế GTGT là phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Tùy theo từng phương pháp, kế toán sẽ sử dụng sẽ sử dụng cách tính khác nhau
Kế toán thuế GTGT đầu vào theo phương pháp khấu trừ
Khi sử dụng phương pháp khấu trừ, kế toán thuế GTGT đầu vào sẽ tính theo công thức:
- Thuế GTGT đầu vào = Giá mua hàng hóa, dịch vụ chưa thuế x Thuế suất GTGT của hàng hóa, dịch vụ này
Khi xác định được thuế, kế toán sẽ hạch toán:
+ Nợ các TK 156, 152, 153, 211, 641…: Giá chưa thuế
Nợ TK 1331: Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 111, 112, 331…: Số tiền phải trả cho các đơn vị cung cấp
Trường hợp thuế GTGT không được khấu trừ, hạch toán như sau:
+ Nợ các TK 156, 152, 153, 211, 641…: Giá chưa thuế + Thuế GTGT không được khấu trừ
Có TK 111, 112, 331…: Số tiền phải trả cho các đơn vị cung cấp
Trường hợp phát sinh giao dịch nhưng kế toán chưa xác định được thuế GTGT, kế toán vẫn sẽ ghi nhận vào tài khoản 133. Định kỳ, nếu số thuế GTGT này không được khấu trừ, kế toán sẽ hạch toán:
+ Nợ 632 (Giá vốn hàng bán): Thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ của hàng đã bán
Nợ 641, 642: Thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ của chi phí bán hàng, cho phí quản lý
Có TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ
Kế toán thuế GTGT đầu vào theo phương pháp trực tiếp
Khi sử dụng phương pháp trực tiếp, kế toán thuế GTGT đầu vào sẽ tính thuế theo công thức
- Thuế GTGT đầu vào = Giá trị của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế x Thuế suất GTGT
Cách hạch toán thuế cũng sẽ tương tự như sử dụng phương pháp khấu trừ.
Hóa đơn GTGT nào không được khấu trừ kế toán thuế GTGT đầu vào cần biết
Đối với những hóa đơn GTGT vi phạm quy định pháp luật và không đủ điều kiện sẽ không được sử dụng để khấu trừ thuế. Đó là những trường hợp các hóa đơn sau:
- Hóa đơn không đúng quy định của pháp luật: Hóa đơn GTGT không ghi thông tin về thuế GTGT (trừ khi có quy định đặc thù cho phép sử dụng hóa đơn GTGT ghi giá thanh toán đã bao gồm thuế GTGT). Điều này có nghĩa là hóa đơn không đáp ứng yêu cầu ghi rõ số tiền thuế GTGT đã nộp.
- Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng thông tin nhà cung cấp: Các thông tin quan trọng của nhà cung cấp như tên, địa chỉ, mã số thuế của nhà cung cấp không được ghi hoặc ghi không đúng. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc xác định nhà cung cấp là ai.
- Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng thông tin của người mua: Tương tự với trường hợp trên. Việc này sẽ gây khó khăn trong việc xác định đơn vị mua là ai.
- Hóa đơn giả, hóa đơn khống hoặc bị tẩy xóa: Trường hợp này vi phạm nghiêm trọng trong việc sử dụng hóa đơn để khai thác thuế GTGT.
- Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ: Trường hợp này có thể gây ra sự lạm phát giá hoặc trục lợi trong việc tính toán và khai thác thuế GTGT.
Kế toán thuế GTGT đầu vào cần cẩn thận, kiểm tra kỹ lưỡng hóa đơn khi tổng hợp và kê khai. Qua đó, tránh được những thiệt hại không cần thiết cho doanh nghiệp.
Thủ tục khấu trừ thuế GTGT đầu vào
Để đáp ứng đủ điều kiện thực hiện thủ tục khấu trừ thuế, kế toán thuế GTGT đầu vào cần chuẩn bị:
- Có đầy đủ hóa đơn thuế GTGT hợp pháp, hợp lệ. Trên hóa đơn cần ghi rõ thông tin nhà cung cấp, người mua cũng như giá trị đơn hàng, số thuế GTGT được tính;
- Có chứng từ thanh toán thông qua ngân hàng đối với những hóa đơn trên 20 triệu đồng. Nếu mua cùng 1 nhà cung cấp với các khoản nhỏ lẻ, mỗi khoản chưa đến mức này, nhưng nếu tổng cộng hơn 20 triệu/ngày thì vẫn cần có chứng từ. Nếu không, doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ thuế;
- Trường hợp hàng xuất khẩu,cần phải có thêm hợp đồng bán – gia công hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời, kèm theo là hóa đơn bán hàng, chứng từ thanh toán qua ngân hàng cùng tờ khai hải quan. Điều này sẽ chứng minh quá trình xuất khẩu và thanh toán tiền hàng hóa.