Kế toán tài sản cố định là gì?

Trong mỗi doanh nghiệp, tài sản cố định đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất, vận hành kinh doanh. Chính vì thế, vị trí kế toán tài sản cố định của được nhiều người quan tâm. Vậy nhiệm vụ của bộ phận kế toán này là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Khái niệm về tài sản cố định

Tài sản cố định được xem là những tài sản có giá trị lớn và thời gian sử dụng lâu dài. Trong doanh nghiệp, tài sản cố định được chia thành tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình.

Theo đó, tài sản cố định hữu hình là tài sản cố định có hình dạng vật chất cụ thể. Những tài sản này có kết cấu độc lập. Hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định.

Ví dụ về tài sản cố định hữu hình như:

  • Nhà cửa, nhà xưởng, văn phòng làm việc…;
  • Vật kiến trúc: giếng khoan,bể nước, tường rào, hệ thống cấp thoát nước…;
  • Máy móc, thiết bị dùng cho hoạt động sản xuất;
  • Phương tiện vận tải, truyền dẫn như: ô tô, xe máy, tàu thuyền,… các thiết bị truyền dẫn thông tin;
  • Thiết bị, dụng cụ sử dụng cho công tác quản lý và văn phòng: máy tính, máy chữ, tủ lạnh, thiết bị, dụng cụ đo lường….

Trong khi đó, tài sản cố định vô hình là loại tài sản có giá trị lớn và thời gian sử dụng lâu dài nhưng lại không có hình dạng vật chất cụ thể. Có thể kể đến như:

  • Bằng sáng chế;
  • Phần mềm máy vi tính;
  • Giá trị quyền sử dụng đất…

Trong doanh nghiệp, nhiệm vụ của kế toán tài sản cố định cũng sẽ xoay quanh 2 loại tài sản này. Theo quy định hiện hành, mọi tài sản cố định trong doanh nghiệp phải có bộ hồ sơ riêng. Đồng thời, chúng cần được phân loại, đánh số và có thẻ riêng. Kế toán sẽ theo dõi chi tiết theo từng đối tượng ghi tài sản cố định và sẽ phản ánh trong sổ theo dõi.

ke-toan-tai-san-co-dinh

Nhiệm vụ của kế toán tài sản cố định

Trong mỗi doanh nghiệp, kế toán tài sản cố định sẽ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tài sản cố định. Cụ thể:

  • Ghi chép, phản ánh tổng hợp chính xác, kịp thời số lượng, giá trị tài sản cố định hữu hình hiện có;
  • Tình hình tăng giảm và hiện trạng tài sản cố định hữu hình trong phạm vi từng bộ phận cũng như toàn đơn vị;
  • Tính toán và phân bổ chính xác mức khấu hao tài sản cố định hữu hình vào chi phí sản xuất kinh doanh. Mức phân bổ sẽ tùy theo mức độ hao mòn của tài sản và chế độ quy định;
  • Tham gia lập kế hoạch sửa chữa và dự toán chi phí sửa chữa tài sản cố định;
  • Giám sát việc sửa chữa tài sản cố định hữu hình về chi phí và kết quả của công việc sửa chữa;
  • Tính toán phản ánh kịp thời, chính xác tình hình xây dựng trang bị thêm, đổi mới, nâng cấp tài sản cố định. Hoặc tháo dỡ bớt làm tăng giảm nguyên giá tài sản cố định hữu hình;
  • Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị, các bộ phận trực thuộc trong các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ ghi chép ban đầu về tài sản cố định hữu hình;
  • Mở các sổ, thẻ kế toán cần thiết và hạch toán tài sản cố định theo chế độ quy định.

Chi tiết công việc của kế toán tài sản cố định

Trong doanh nghiệp, tài sản cố định sẽ được quản lý theo nguyên giá, số hao mòn luỹ kế và giá trị còn lại trên sổ sách kế toán. Đối với những tài sản cố định không cần dùng, chờ thanh lý nhưng chưa hết khấu hao, doanh nghiệp phải thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản và trích khấu hao theo quy định hiện hành.

quy-trinh-lap-so-sach-ke-toan-can-biet

Công việc chi tiết của bộ phận kế toàn tài sản cố định trong từng doanh nghiệp sẽ như sau:

  • Nhận và cập nhật chứng từ về tài sản cố định;
  • Kiểm tra, xác nhận tài sản cố định khi nhập về doanh nghiệp;
  • Lập biên bản bàn giao và bàn giao tài sản cố định cho đơn vị (bộ phận) công ty;
  • Lập và giao biên bản bàn giao trách nhiệm sử dụng tài sản cố định;
  • Tập hợp các chi phí xây dựng cơ bản, chi phí sửa tài sản cố định, chi phí sửa chữa nhà xưởng;
  • Lập quyết toán xây dựng cơ bản, chi phí sửa chữa hoàn thành;
  • Cập nhật tăng giảm và lập danh sách tăng giảm tài sản cố định định kỳ theo từng tháng, quý hoặc năm;
  • Xác định thời gian khấu hao, tính khấu hao tài sản cố định, chuyển số liệu khấu hao tháng cho từng bộ phận để hạch toán;
  • Lập biên bản thanh lý tài sản cố định.
  • Lập thẻ tài sản cố định, sổ tài sản cố định, Hồ sơ tài sản cố định.
  • Lập danh mục hồ sơ, tài liệu tài sản, sắp xếp và lưu hồ sơ tài sản cố định.
  • Kiểm kê tài sản cố định theo định kỳ 6 tháng hoặc cuối năm.
  • Cung cấp số liệu và tài liệu liên quan về tài sản cố định khi có yêu cầu của phòng kế toán.