Kế toán nội bộ là gì? Kỹ năng cần có để trở thành kế toán nội bộ?

Kế toán đang là một trong những công việc khá phổ biến hiện nay. Vậy kế toán nội bộ là gì? Những kỹ năng cần có để trở thành kế toán? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Tìm hiểu về kế toán nội bộ

Trong mỗi doanh nghiệp, kế toán nội bộ sẽ đảm nhận các công việc ghi chép, lưu trữ, lập chứng từ, kiểm tra các hoạt động kinh tế, tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, kế toán sẽ xử lý và tổng kết các hoạt động này, lập thành báo cáo, cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Từ đó, hỗ trợ lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra các định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp.

Luật Kế toán năm 2015, số 88/2015/QH13 định nghĩa, kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích. Đồng thời, cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động. Theo đó:

  • Thu thập là ghi nhận những nghiệp vụ kinh tế vào chứng từ kế toán;
  • Xử lý là quá trình hệ thống quá những dữ liệu, thông tin từ chứng từ kế toán vào sổ kế toán;
  • Cung cấp là việc hợp nhất dữ liệu để tạo thành báo cáo tài chính.

 

Vai trò của kế toán nội bộ là gì?

Kế toán là công việc khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu vai trò kế toán nội bộ là gì trong công ty. Thực chất, kế toán nội bộ đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức nào.

Kế toán sẽ xác định được kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, lời hay lỗ. Nhờ vậy, ban giám đốc sẽ đưa ra các phương án tiếp theo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai.

Đồng thời, kế toán và tài chính của doanh nghiệp sẽ liên quan mật thiết với nhau. Trong đó, kế toán sẽ giúp ban giám đốc hiểu được tài chính của doanh nghiệp hoạt động như thế nào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, xác định được doanh nghiệp cần huy động vốn, tìm nguồn tài trợ hay dùng đòn bẩy kinh doanh… giúp điều hoà tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Kế toán cũng sẽ giúp tránh những hiện tượng thâm hụt hay lạm phát tài sản. Các khoản phải trả, giải ngân, chi phí hoạt động sẽ được thanh toán đúng hạn, tránh được những vấn đề về nợ xấu doanh nghiệp.

Kế toán sẽ đại diện cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước thông qua việc nộp thuế đúng thời hạn. Bộ phận này sẽ thực hiện các khoản thanh toán thuế cho cơ quan chính phủ. Như nộp thuế doanh nghiệp, thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân, thuế an sinh xã hội và bồi thường cho người lao động, thuế thu nhập cá nhân của cán bộ, nhân viên,…

Nhiệm vụ của kế toán trong doanh nghiệp

Công việc của kế toán nội bộ là gì? Tùy theo từng doanh nghiệp, nhiệm vụ của kế toán nội bộ sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, đây là những nhiệm vụ chung mà kế toán cần thực hiện:

  • Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán. Tất cả sẽ được đảm bảo theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán;
  • Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ;
  • Kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản;
  • Kịp thời, phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán
  • Phân tích thông tin, số liệu kế toán; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán;
  • Cung cấp thông tin, số liệu kế toán cho ban giám đốc hoặc cho các cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật.

ke-toan-noi-bo-la-gi

Đối tượng theo dõi của kế toán nội bộ là gì?

Đối tượng theo dõi của kế toán nội bộ là sự hình thành biến động của tất cả những tài sản thuộc đơn vị tổ chức. Chúng được chia thành 2 loại tài sản là tài sản hữu hình và tài sản vô hình.

Kế toán sẽ theo dõi, cập nhật và phản ánh đầy đủ những đối tượng của kế toán ở giai đoạn hình thành và giai đoạn biến động của tài sản. Sự biến động này cũng chính là sự hình thành và biến động của dòng tiền trong doanh nghiệp.  Toàn bộ sẽ được phản ánh một cách rõ ràng bằng những con số chính xác và minh bạch.

Điều 8 Luật Kế toán năm 2015, số 88/2015/QH13 đã chỉ ra 4 loại đối tượng chính của kế toán là:

  • Đối tượng kế toán thuộc hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước, hành chính, sự nghiệp; hoạt động của đơn vị, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước;
  • Đối tượng kế toán thuộc hoạt động của đơn vị, tổ chức không sử dụng ngân sách Nhà nước. Bao gồm tài sản, nguồn hình thành tài sản theo quy định;
  • Đối tượng kế toán thuộc hoạt động kinh doanh;
  • Đối tượng kế toán thuộc hoạt động ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính.

Những yêu cầu đối với kế toán nội bộ là gì?

Sau khi tìm hiểu kế toán nội bộ là gì, chúng ta sẽ tìm hiểu những kỹ năng, yêu cầu cần thiết cho công việc này. Để nhanh chóng và hoàn thành tốt công việc kế toán nội bộ, những kỹ năng sau rất cần thiết:

  • Kỹ năng lập kế hoạch làm việc;
  • Kỹ năng làm việc dưới áp lực cao;
  • Kỹ năng quản lý thời gian;
  • Kỹ năng thích ứng;
  • Kỹ năng giao tiếp tốt;
  • Thành thạo chuyên môn về các nghiệp vụ kế toán, tin học văn phòng;
  • Thành thạo các phần mềm kế toán như Misa, 3Tsoft, FAST,…;
  • Luôn cập nhật các thông tin mới nhất về luật, thông tư.