Để doanh nghiệp vận hành ổn định và minh bạch, kế toán thuế là một phần không thể thiếu. Vậy chức năng kế toán thuế trong doanh nghiệp là gì? Những công việc nào mà bộ phận kế toán thuế phải đảm nhiệm?
Tìm hiểu về chức năng kế toán thuế
Trong mỗi doanh nghiệp, chức năng kế toán thuế chính là đảm nhiệm nhiệm vụ kê khai thuế. Thuế chính là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp đối với Nhà nước. Nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, doanh nghiệp có thể bị xử phạt theo pháp luật. Tuỳ theo mức độ từ nhẹ tới nặng, có thể phạt hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự.
Do đó, kế toán thuế sẽ sử dụng các nghiệp vụ để tổng hợp, theo các loại thuế phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, tính toán và xác định mức thuế doanh nghiệp cần phải nộp cho cơ quan Nhà nước.
Có thể nói kế toán thuế đóng vai trò chức năng quan trọng trong doanh nghiệp. Bởi vì:
- Giúp doanh nghiệp thực hiện đóng thuế – nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện với Nhà nước – một cách đầy đủ. Nhờ đó, doanh nghiệp có hoạt động ổn định khi không còn lo ngại các vấn đề về thuế.
- Xác định giúp chủ doanh nghiệp cần phải đóng những loại thuế nào. Những loại thuế nào không cần phải đóng hay doanh nghiệp có thể hưởng ưu đãi thuế suất nào. Qua đó, giúp hạn chế chi phí và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
- Hỗ trợ đưa ra các thông tin quan trọng về sức khỏe doanh nghiệp thông qua các báo cáo tài chính. Từ đó, giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh quan trọng phù hợp.
Những công việc nằm trong chức năng kế toán thuế
Chức năng kế toán thuế là khai báo thuế. Do đó, những công việc của bộ phận này sẽ tập trung vào những nghiệp vụ liên quan đến thuế trong doanh nghiệp.
Cụ thể:
- Đầu năm, kế toán thuế sẽ nộp thuế phí môn bài cho doanh nghiệp. Kèm theo đó là nộp tờ khai các loại thuế; báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của tháng 12 hoặc quý IV của năm trước.
- Hàng ngày, kế toán thuế sẽ tổng hợp các hóa đơn và chứng từ phát sinh liên quan đến thuế.
- Hàng tháng, kê khai và lập báo cáo thuế GTGT, thuế TNCN (nếu doanh nghiệp kê khai theo tháng). Cùng với đó là báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.
- Hàng quý, tiếp tục lập báo cáo thuế GTGT, thuế TNCN, thuế TNDN và báo cáo sử dụng hóa đơn trong quý.
- Cuối năm là thời kỳ bận rộn của kế toán thuế. Bộ phận này hoàn thành báo cáo tài chính năm, báo cáo quyết toán thuế TNCN, thuế TNDN của năm và báo cáo thuế quý IV.
Bên cạnh đó, chức năng kế toán thuế còn thực hiện những công việc khác. Cụ thể:
- Thường xuyên cập nhật các thông tư, nghị định mới nhất liên quan đến thuế. Từ đó, thực hiện khai báo đúng nghĩa vụ thuế với cơ quan Nhà nước. Hoặc có thể tư vấn cho chủ doanh nghiệp để hưởng lợi và tránh bất lợi từ những thông tư, nghị định này.
- Lưu trữ và bảo quản những hóa đơn, chứng từ cẩn thận và khoa học. Qua đó, có thể giúp dễ dàng tìm kiếm khi cần thiết. Đồng thời, tránh được những thiệt hại không đáng có trong quá trình bảo quản.
Các loại thuế doanh nghiệp cần phải nộp cho Nhà nước
Theo quy định của Nhà nước, khi thành lập doanh nghiệp, có 9 loại thuế doanh nghiệp cần phải nộp. Chức năng kế toán thuế cũng xoay quanh những loại thuế này. Cụ thể:
- Thuế môn bài (lệ phí môn bài): Được tính dựa trên vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của doanh nghiệp.
- Thuế giá trị gia tăng (thuế VAT): Mức đóng sẽ dựa trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ. Bắt đầu từ quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Có 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Tính dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh cuối kỳ của doanh nghiệp.
- Thuế thu nhập cá nhân (TNCN): Thuế đánh vào thu nhập của người lao động tại doanh nghiệp.
- Thuế tài nguyên: Áp dụng khi doanh nghiệp khai thác tài nguyên chịu thuế được quy định tại Điều 2 Luật Thuế tài nguyên 2009.
- Thuế xuất, nhập khẩu: Thu dựa trên hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
- Thuế bảo vệ môi trường: Doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế này nếu hoạt động sản xuất gây hại tới môi trường.
- Thuế tiêu thụ đặc biệt: Đóng thuế trong trường hợp sản xuất các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Được tính khi doanh nghiệp sử dụng đất phi nông nghiệp để sản xuất, thực hiện dự án đầu tư…
Tùy theo tình hình thực tế, doanh nghiệp có thể không cần phải đóng hết tất cả những loại thuế này. Lúc này, chức năng kế toán thuế là xác định những loại thuế nào cần phải đóng.
Thời hạn đóng các loại thuế cho doanh nghiệp
Việc kê khai thuế đúng thời hạn là một trong những điều quan trọng của chức năng kế toán thuế. Vì vậy, người làm kế toán thuế cần nắm rõ hạn nộp của các loại báo cáo thuế để tránh việc nộp trễ hẹn.
Cụ thể:
- Báo cáo thuế theo tháng: Nộp chậm nhất là ngày 20 đối với tháng tiếp theo.
- Báo cáo thuế theo quý: Nộp chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu tiên trong quý tiếp theo.
- Hồ sơ khai thuế theo năm: Nộp chậm nhất là ngày 30/01 của năm tiếp theo.
- Tờ khai quyết toán thuế năm: Nộp chậm nhất ngày cuối cùng của tháng thứ 3 từ ngày kết thúc năm tài chính.
- Kê khai thuế theo từng đợt phát sinh: Chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh.