Cách tính, hạch toán kế toán thuế GTGT trong doanh nghiệp

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một trong những loại thuế chính doanh nghiệp cần phải nộp. Vậy kế toán thuế GTGT sẽ tính thuế như thế nào? Phương pháp hạch toán thuế GTGT ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Tìm hiểu về thuế GTGT

Thuế GTGT (viết tắt VAT – Value Added Tax) là một loại thuế gián thu. Đây là một loại thuế quan trọng đối với ngân sách Nhà nước, đóng vai trò lớn trong xây dựng và phát triển đất nước.

Thuế GTGT được tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh. Bắt đầu từ quá trình sản xuất, lưu thông cho đến khi sản phẩm, dịch vụ tới tay người tiêu dùng. Việc đánh thuế sẽ không bao gồm toàn bộ giá trị của hàng hóa, dịch vụ.

Hầu hết mọi đối tượng trong nền kinh tế đều sẽ chịu loại thuế này. Người chịu thuế sẽ là người tiêu dùng. Còn người nộp thuế sẽ là các cá nhân, tổ chức kinh doanh, sản xuất hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam. Tùy từng trường hợp và đối tượng, sẽ được áp dụng mức thuế khác nhau. Kế toán thuế GTGT cũng dựa vào đây mà tính số thuế phải nộp của doanh nghiệp.

ke-toan-thue-cong-ty-thuong-mai-1

Kế toán thuế GTGT tính thuế theo phương pháp nào?

Có 2 phương pháp tính thuế kế toán thuế GTGT thường dùng là theo phương pháp khấu trừ hoặc phương pháp trực tiếp.

Kế toán thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ: Cách tính, hạch toán

Tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được sử dụng phổ biến nhất và hiệu quả nhất. Nếu theo phương pháp này, kế toán thuế GTGT sẽ tính VAT theo công thức sau:

  • Thuế GTGT phải nộp = Tổng thuế GTGT đầu ra – Tổng thuế GTGT đầu vào

Đây cũng là phương pháp được nhiều doanh nghiệp sử dụng để tính thuế nhất. Để sử dụng phương pháp này, doanh nghiệp cần:

  • Có doanh thu ít nhất là 1 tỷ đồng/năm;
  • Hoàn thành các công việc liên quan đến sổ sách kế toán, hóa đơn và chứng từ mua bán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cách hạch toán của phương pháp thuế GTGT khấu trừ như sau:

Trong kỳ:

Nợ TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)

Có TK 511, 515, 711 (giá chưa có thuế GTGT)

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

Cuối kỳ, kế toán tính số thuế GTGT phải nộp và định khoản:

Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ.

Kế toán thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp: Cách tính, hạch toán

Các doanh nghiệp tự sản xuất hàng hóa, dịch vụ thường sẽ tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Theo đó, kế toán thuế GTGT tính số thuế GTGT cần nộp dựa trên giá trị gia tăng của sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp tự sản xuất hoặc cung cấp.

Công thức như sau:

  • Thuế GTGT phải nộp = Doanh thu (Tổng số tiền bán hàng hóa thực ghi trên hóa đơn) x Tỷ lệ %

Tỷ lệ % được quy định như sau:

  • Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;
  • Hoạt động kinh doanh khác: 2%;
  • Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
  • Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%.

Trường hợp doanh nghiệp mua bán vàng bạc đá quý, công thức tính:

  • Thuế GTGT phải nộp = Giá trị gia tăng (Giá bán ra – Giá mua vào) x 10%

Khi hạch toán, kế toán sẽ có 2 cách ghi sổ:

  • Cách 1: Tách riêng ngay số thuế GTGT phải nộp khi xuất hóa đơn. Sau đó, hạch toán thuế GTGT tương tự như phương pháp khấu trừ.
  • Cách 2: Ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp. Định kỳ khi xác định số thuế GTGT phải nộp kế toán ghi giảm doanh thu, thu nhập tương ứng.

Đối với cách 2, phương thức hạch toán như sau:

Nợ các TK 511, 515, 711

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

ke-toan-thue-gtgt

Hạch toán thuế GTGT phải nộp được giảm, hoàn thuế và truy thu

Thực tế, có những trường hợp khác nhau về thuế GTGT phải nộp của doanh nghiệp. Đó là thuế GTGT phải được giảm, thuế GTGT đầu vào được hoàn và bị truy thu thuế GTGT.

  • Nếu doanh nghiệp được giảm thuế GTGT phải nộp, kế toán thuế GTGT sẽ ghi sổ:

Nợ TK 33311 – Thuế GTGT phải nộp (nếu được trừ vào số thuế phải nộp)

Nợ TK 111, 112 – Nếu số được giảm được nhận lại bằng tiền

Có TK 711 – Thu nhập khác.

  • Nếu doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT do thuế đầu vào nhiều thuế đầu ra, ghi sổ như sau:

Nợ các TK 111, 112

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ.

  • Trường hợp doanh nghiệp bị truy thu thuế GTGT, kế toán ghi sổ:

Nợ TK 4211 – Lợi nhuận chưa phân phối năm trước

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.

Kế toán thuế GTGT nộp hồ sơ thuế GTGT theo mẫu nào

Hiện tại có 2 cách tính thuế GTGT khác nhau là phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Do đó, kế toán thuế GTGT cần nắm rõ hồ sơ áp dụng cho từng trường hợp.

Cụ thể, có 4 mẫu hồ sơ khai thuế GTGT cho doanh nghiệp:

  • Mẫu số 01/GTGT: Áp dụng cho doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ;
  • Mẫu số 02/GTGT: Áp dụng cho doanh nghiệp tính hai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ khai cho dự án đầu tư.
  • Mẫu số 03/GTGT: Áp dụng cho doanh nghiệp tính thuế GTGT phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng của hàng hóa.
  • Mẫu số 04/GTGT: Áp dụng cho những doanh nghiệp tính thuế GTGT phương pháp trực tiếp trên doanh thu.

Khi nộp hồ sơ thuế GTGT, kế toán cần nộp trực tiếp tại cơ quan quản lý thuế trực tiếp.