Vai trò kế toán thuế trong doanh nghiệp

Để đảm bảo việc vận hành và thực hiện đúng các nghĩa vụ với Nhà nước, mỗi doanh nghiệp đều phải có bộ phận kế toán thuế. Đây được xem là bộ phận quan trọng và không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp. Vậy, vai trò kế toán thuế trong mỗi doanh nghiệp là gì? Để làm tốt kế toán thuế cần có những yêu cầu gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Vai trò kế toán thuế trong doanh nghiệp

Trong mỗi doanh nghiệp, kế toán thuế sẽ là bộ phận chịu trách nhiệm tính thuế và khai báo thuế của doanh nghiệp. Chính vì vậy, vai trò kế toán thuế sẽ xoay quanh 3 nhiệm vụ chủ yếu. Bao gồm: xác định cơ sở tính thuế cho doanh nghiệp, khai báo – thực hiện nghĩa vụ thuế và các vấn đề liên quan về thuế khác.

Xác định cơ sở tính thuế

Một trong những vai trò kế toán thuế chủ yếu chính là xác định cơ sở tính thuế cho doanh nghiệp. Trong đó, kế toán thuế sẽ xác định cơ sở tính các loại thuế sau:

  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT);
  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN);
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN);
  • Các loại thuế khác.

Trong đó, để xác định cơ sở tính thuế GTGT, kế toán thuế cần:

  • Đối chiếu các hóa đơn GTGT đầu vào, đầu ra;
  • Kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp cũng như xem hóa đơn có gì sai sót không;
  • Phân loại hóa đơn GTGT theo từng loại thuế suất.

Sau đó, đến cuối tháng và cuối quý, kế toán thuế sẽ lập báo cáo tổng hợp thuế GTGT (đầu ra và đầu vào) để tính toán số thuế phải nộp của doanh nghiệp.

Đối với xác định cơ sở tính thuế TNCN, kế toán thuế sẽ tính toán dựa trên thu nhập của các cá nhân có trong công ty, mức giảm trừ gia cảnh cũng như quy định về luật TNCN hiện hành.

Đối với thuế TNDN, kế toán thuế sẽ kết hợp cùng kế toán tổng hợp. Từ đó, tổng hợp thành bảng báo cáo tài chính tháng, quý, năm để chủ doanh nghiệp có thể kiểm soát được tình hình kinh doanh cũng như tài chính. Đồng thời, lấy đó làm căn cứ xác định số thuế phải nộp cho Nhà nước.

vai-tro-ke-toan-thue

Khai báo và thực hiện nghĩa vụ thuế

Đối với vai trò kế toán thuế này, kế toán viên sẽ lập và nộp theo hàng tháng, quý và năm những chứng từ sau:

  • Nộp thuế môn bài (thực hiện vào mỗi đầu năm). Trường hợp thuế môn bài thay đổi (do vốn điều lệ công ty thay đổi) thì cần phải kèm theo tờ khai;
  • Báo cáo thuế GTGT, TNCN, TNDN;
  • Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn;
  • Báo cáo tài chính tương ứng với các kỳ kế toán.

Còn đối với các loại thuế khác như bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, kế toán thuế sẽ dựa trên loại hình kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Qua đó, xác định xem doanh nghiệp có cần phải đóng các loại thuế này không. Chẳng hạn như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch thì sẽ không cần phải đóng thuế bảo vệ môi trường hay thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tiếp đó, dựa trên số liệu của các báo cáo trên, kế toán thuế sẽ xác định nghĩa vụ thuế phát sinh của doanh nghiệp. Sau đó, lập kế hoạch và hồ sơ nộp ngân sách, hồ sơ hoàn thuế khi có phát sinh.

Bộ phận kế toán thuế sẽ trình hồ sơ cho ban giám đốc và cơ quan thuế. Từ đó, thực hiện nghĩa vụ việc nộp thuế cũng như quyết toán thuế TNDN, quyết toán thuế TNCN cuối năm.

Các công việc liên quan khác

Bên cạnh 2 công việc trên, vai trò kế toán thuế còn có nhiều những công việc khác như:

  • Sắp xếp và lưu trữ hóa đơn, chứng từ kế toán. Trong đó, những chứng từ không cần ghi để làm không làm căn cứ kê khai tính thuế, hạch toán ghi sổ kế toán như đơn đặt hàng, các phiếu chi, xuất – nhập hàng… sẽ có thời hạn lưu trữ là 5 năm. Còn hóa đơn làm căn cứ kê khai, hạch toán sẽ có thời hạn tối thiểu là 10 năm;
  • Đề xuất xử lý các vấn đề xảy ra với hóa đơn. Chẳng hạn như hủy, chỉnh sửa… trong các trường hợp cần thiết để đảm bảo tính hợp lệ khi đưa vào bảng kê khai;
  • Liên tục cập nhật thông tin về luật thuế để thông báo và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp;
  • Đánh giá và đề ra hướng xử lý khi báo cáo thuế của doanh nghiệp chênh lệch so với số thuế phải quyết toán của cơ quan Nhà nước.
  • Lập báo cáo liên quan đến nghiệp vụ kế toán khi Ban Giám đốc hoặc cơ quan Nhà nước yêu cầu.

vai-tro-ke-toan-thue

Yêu cầu để làm tốt vai trò kế toán thuế

Kế toán thuế là bộ phận quan trọng và không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp. Bộ phận này được xem như cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước. Kế toán thuế sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện kinh doanh sản xuất ổn định minh bạch. Đồng thời, giúp Nhà nước quản lý nền kinh tế nhiều thành phần hiệu quả và chặt chẽ hơn.

Chính vì vậy, để làm tốt vai trò kế toán thuế, vị trị này thường yêu cầu:

  • Những người có từ 1 – 2 năm kinh nghiệm trở lên. Do không chỉ yêu cầu chuyên môn, nhân viên kế toán thuế còn cần phải có kinh nghiệm trong cách ứng xử để đảm bảo sự chuyên nghiệp, khôn khéo.
  • Có kiến thức cũng như cập nhật liên tục về luật thuế, kế toán, tài chính doanh nghiệp, Nhà nước;
  • Am hiểu, thành thạo các kỹ năng tin học văn phòng (đặc biệt là Excell);
  • Cả khả năng làm việc dưới áp lực cao tốt cũng như khả năng quản lý thời gian làm việc.