CÁC KHOẢN GIẢM TRỪ KHI TÍNH THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Chúng ta đã quen về khái niệm thuế thu nhập cá nhân, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Bạn có đang phải đóng thuế thu nhập cá nhân? Bạn đang băn khoăn về việc mình có đang nằm trong các khoản giảm trừ gia cảnh hay giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, thiện nguyện của thuế thu nhập cá nhân hay không? Bài hôm nay, Uy Danh sẽ giải đáp thắc mắc này cho bạn dựa trên các điều luật mới nhất.

I. Cơ sở pháp lý

●       Điều 9 Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BTC hợp nhất ngày 14/03/2016

●       Điều 12 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/07/2013

●       Điều 7 Thông tư số 111/2013/TT-BTC có hiệu lực ngày 01/10/2013

●       Khoản 6 Điều 25 Thông tư số 92/2015/TT-BTC có hiệu lực ngày 30/07/2016

●       Nghị quyết về điều mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN số 954/2020/UBTVQH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020

II. Các khoản giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân

1. Giảm trừ gia cảnh

1.1  Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính  thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá  nhân cư trú.  

1.2   Mức giảm trừ gia cảnh  

a.      Đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) từ 01/07/2020

b.      Đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng  từ 01/07/2020

1.3   Nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh

a.      Giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế:  

●       Người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công thì tại  một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh  cho bản thân tại một nơi.  

●       Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm  trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường  hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao  động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng).  

●       Trường hợp trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân  hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi  thực hiện quyết toán thuế theo quy định.  

b.      Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc  

●       Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu  người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.

●       Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Đối với người phụ thuộc đã được đăng ký  giảm trừ gia cảnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được  giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế.  

●       Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng  phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có  đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Riêng đối với người phụ thuộc  khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1, Điều này thời hạn đăng ký giảm  trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu  trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.  

●       Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp  thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia  cảnh vào một người nộp thuế.  

1.4  Người phụ thuộc bao gồm:  

a.       Con: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con  riêng của chồng, cụ thể gồm:  

●       Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng)

●       Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động. 

●       Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học,  cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học  bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến  tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong  năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.

b.      Vợ hoặc chồng của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1,  Điều này.  

c.      Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ,  khoản 1, Điều này.  

d.      Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực  tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này bao gồm:  

●       Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.  

●       Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột,  bác ruột của người nộp thuế.   

●       Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột. 

●       Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

1.5  Cá nhân được tính là người phụ thuộc theo hướng dẫn tại các tiết d.2, d.3,  d.4, điểm d, khoản 1, Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau: 

a.       Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều  kiện sau:  

●       Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.  

●       Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.  

b.      Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu  nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá  1.000.000 đồng.  

Người khuyết tật, không có khả năng lao động theo hướng dẫn tại tiết đ.1.1,  điểm đ, khoản 1, Điều này là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp  luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh  AIDS, ung thư, suy thận mãn,…).  

1.6  Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc  

a.      Đối với con:  

●       Con dưới 18 tuổi: Hồ sơ chứng minh là bản chụp Giấy khai sinh và bản  chụp Chứng minh nhân dân (nếu có).  

●       Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động, hồ sơ chứng minh gồm:  

  1. Bản chụp Giấy khai sinh và bản chụp Chứng minh nhân dân (nếu có). 
  2. Bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.  

●       Con đang theo học tại các bậc học theo hướng dẫn tại tiết d.1.3, điểm d,  khoản 1, Điều này, hồ sơ chứng minh gồm:  

  1. Bản chụp Giấy khai sinh.  
  2. Bản chụp Thẻ sinh viên hoặc bản khai có xác nhận của nhà trường  hoặc giấy tờ khác chứng minh đang theo học tại các trường học đại học, cao đẳng,  trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc học nghề.  

●       Trường hợp là con nuôi, con ngoài giá thú, con riêng thì ngoài các giấy  tờ theo từng trường hợp nêu trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ khác để chứng minh mối quan hệ như: bản chụp quyết định công nhận việc nuôi con nuôi,  quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan nhà nước có thẩm  quyền… 

b.      Đối với vợ hoặc chồng, hồ sơ chứng minh gồm:  

●       Bản chụp Chứng minh nhân dân.  

●       Bản chụp sổ hộ khẩu (chứng minh được mối quan hệ vợ chồng) hoặc Bản  chụp Giấy chứng nhận kết hôn.  

Trường hợp vợ hoặc chồng trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu  trên hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ khác chứng minh người phụ thuộc  không có khả năng lao động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định  của pháp luật về người khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao  động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động  (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,..). 

c.      Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng), cha  dượng, mẹ kế, cha nuôi hợp pháp, mẹ nuôi hợp pháp hồ sơ chứng minh gồm: 

●       Bản chụp Chứng minh nhân dân.  

●       Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người  nộp thuế như bản chụp sổ hộ khẩu (nếu có cùng sổ hộ khẩu), giấy khai sinh, quyết  định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.  

Trường hợp trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, hồ sơ chứng  minh cần có thêm giấy tờ chứng minh là người khuyết tật, không có khả năng lao  động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người  khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS,  ung thư, suy thận mãn,..).  

d.      Đối với các cá nhân khác theo hướng dẫn tại tiết d.4, điểm d, khoản 1,  Điều này hồ sơ chứng minh gồm:  

●       Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh.  

●       Các giấy tờ hợp pháp để xác định trách nhiệm nuôi dưỡng theo quy định  của pháp luật.  

Trường hợp người phụ thuộc trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu  trên, hồ sơ chứng minh cần có thêm giấy tờ chứng minh không có khả năng lao  động như bản chụp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người  khuyết tật đối với người khuyết tật không có khả năng lao động, bản chụp hồ sơ bệnh án đối với người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS,  ung thư, suy thận mãn,..).  

Các giấy tờ hợp pháp tại tiết g.4.2, điểm g, khoản 1, Điều này là bất kỳ giấy tờ pháp lý nào xác định được mối quan hệ của người nộp thuế với người phụ thuộc như:

  • Bản chụp giấy tờ xác định nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật (nếu có).
  • Bản chụp sổ hộ khẩu (nếu có cùng sổ hộ khẩu).
  • Bản chụp đăng ký tạm trú của người phụ thuộc (nếu không cùng sổ hộ khẩu).
  • Bản tự khai của người nộp thuế theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nộp thuế cư trú về việc người phụ thuộc đang sống cùng.
  • Bản tự khai của người nộp thuế theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phụ thuộc đang cư trú về việc người phụ thuộc hiện đang cư trú tại địa phương và không có ai nuôi dưỡng (trường hợp không sống cùng).

●       Cá nhân cư trú là người nước ngoài, nếu không có hồ sơ theo hướng dẫn  đối với từng trường hợp cụ thể nêu trên thì phải có các tài liệu pháp lý tương tự để làm căn cứ chứng minh người phụ thuộc.  

●       Đối với người nộp thuế làm việc trong các tổ chức kinh tế, các cơ quan  hành chính, sự nghiệp có bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), con và những người khác thuộc  diện được tính là người phụ thuộc đã khai rõ trong lý lịch của người nộp thuế thì  hồ sơ chứng minh người phụ thuộc thực hiện theo hướng dẫn tại các tiết của điểm g, khoản 1, Điều này hoặc chỉ cần Tờ khai đăng ký người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế có xác nhận  của Thủ trưởng đơn vị vào bên trái tờ khai.  

Thủ trưởng đơn vị chỉ chịu trách nhiệm đối với các nội dung sau: họ tên người  phụ thuộc, năm sinh và quan hệ với người nộp thuế; các nội dung khác, người nộp  thuế tự khai và chịu trách nhiệm.  

1.7  Khai giảm trừ đối với người phụ thuộc  

a.       Người nộp thuế có thu nhập  từ tiền lương, tiền công từ 09 triệu  đồng/tháng trở xuống không phải khai người phụ thuộc.  

b.      Người nộp thuế có thu nhập  từ tiền lương, tiền công trên 09 triệu đồng/tháng để được giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc khai như sau:  

Đối với người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công 

●  Đăng ký người phụ thuộc  

  • Đăng ký người phụ thuộc lần đầu:  

Người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, tiền công đăng ký người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế và nộp  hai (02) bản cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập để làm căn cứ tính giảm trừ cho  người phụ thuộc.  

Tổ chức, cá nhân trả thu nhập lưu giữ một (01) bản đăng ký và nộp một (01)  bản đăng ký cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý cùng thời điểm nộp tờ khai thuế thu  nhập cá nhân của kỳ khai thuế đó theo quy định của luật quản lý thuế.  

Riêng đối với cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì cá nhân nộp một  (01) bản đăng ký người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn  về quản lý thuế cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức trả thu nhập cùng thời  điểm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân của kỳ khai thuế đó theo quy định của Luật  Quản lý thuế.  

−        Đăng ký khi có thay đổi về người phụ thuộc:  

Khi có thay đổi (tăng, giảm) về người phụ thuộc, người nộp thuế thực hiện  khai bổ sung thông tin thay đổi của người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm  theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế và nộp cho tổ chức, cá nhân trả thu  nhập hoặc cơ quan thuế đối với người nộp thuế thuộc diện khai thuế trực tiếp  với cơ quan thuế.  

−       Địa điểm, thời hạn nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc: 

Địa điểm nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc là nơi người nộp thuế nộp  bản đăng ký người phụ thuộc.  

Tổ chức trả thu nhập có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ chứng minh người phụ thuộc và  xuất trình khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra thuế.  

●       Thời hạn nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc: trong vòng ba (03) tháng kể từ ngày nộp tờ khai đăng ký người phụ thuộc (bao gồm cả trường hợp đăng ký thay đổi người phụ thuộc).

2.      Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện

2.1  Các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo  hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.  

2.2 Các khoản đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện  Mức đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện được  trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá một  (01) triệu đồng/tháng đối với người lao động tham gia các sản phẩm hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính bao gồm cả số tiền do người sử dụng   lao động đóng cho người lao động và cả số tiền do người lao động tự đóng (nếu có),  kể cả trường hợp tham gia nhiều quỹ. Căn cứ xác định thu nhập được trừ là bản  chụp chứng từ nộp tiền (hoặc nộp phí) do quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp  bảo hiểm cấp.  

2.3  Người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam là cá  nhân cư trú nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc  gia nơi cá nhân cư trú mang quốc tịch hoặc làm việc tương tự quy định của pháp  luật Việt Nam như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm  trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác (nếu có)  thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế  từ tiền lương, tiền  công khi tính thuế thu nhập cá nhân. 

Cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam có tham gia đóng các khoản bảo  hiểm nêu trên ở nước ngoài sẽ được tạm giảm trừ ngay vào thu nhập để khấu trừ thuế trong năm (nếu có chứng từ) và tính theo số chính thức nếu cá nhân thực hiện  quyết toán thuế theo quy định. Trường hợp không có chứng từ để tạm giảm trừ trong năm thì sẽ giảm trừ một lần khi quyết toán thuế.  

2.4  Khoản đóng góp bảo hiểm, đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện của năm  nào được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm đó.  

2.5  Chứng từ chứng minh đối với các khoản bảo hiểm được trừ nêu trên là  bản chụp chứng từ thu tiền của tổ chức bảo hiểm hoặc xác nhận của tổ chức trả thu nhập về số tiền bảo hiểm đã khấu trừ, đã nộp (trường hợp tổ chức trả thu  nhập nộp thay).  

3. Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học

3.1 Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học được trừ vào thu nhập  chịu thuế đối với thu nhập  từ tiền lương, tiền công trước khi tính thuế của người  nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:  

a.       Khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em  có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa.   Các tổ chức cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người  khuyết tật, phải được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành  lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; Nghị định số 81/2012/NĐ-CP  ngày 08/10/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 68/2008/NĐ-CP  ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động  và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002  của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994  của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao  động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.  

Tài liệu để chứng minh đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng  trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi  nương tựa là chứng từ thu hợp pháp của tổ chức, cơ sở.  

b.      Khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được  thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012  của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, hoạt động vì mục  đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận và quy định tại  các văn bản khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ.  

Tài liệu chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học là chứng từ thu  hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của Trung ương hoặc của tỉnh cấp. 

3.2  Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học phát sinh vào năm nào  được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế đó,:

a.      Nếu giảm trừ không  hết không được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế tiếp theo.

b.      Mức giảm  trừ tối đa không vượt quá thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công của năm tính  thuế phát sinh đóng góp từ thiện nhân đạo, khuyến học.  

III. Kết luận

Vậy thuế thu nhập cá nhân có ba khoản giảm trừ là:

●       Giảm trừ gia cảnh.

●       Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí.

●       Giảm trừ đối với các khoản đóng từ thiện, nhân đạo, khuyến học

Ngoài ra, bài viết còn liệt kê các thủ tục cần thiết và cách thức đăng ký từ tường hợp giảm trừ cụ thể.

Thông tin liên hệ

Trên đây là bài viết cung cấp toàn bộ những thông tin pháp lý liên quan đến các khoản giảm trừ khi tính thuế Thu nhập cá nhân. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn sẽ có thể áp dụng, chọn cho bản thân/ nhân viên của mình khoản giảm trừ tối ưu nhất. Nếu có băn khoăn hay vướng mắc thì hãy liên hệ với chúng tôi.

Uy Danh là Công ty Dịch vụ kế toán và Thành lập doanh nghiệp mang đến sự lựa chọn hàng đầu của quý doanh nghiệp, cam kết cung cấp dịch vụ chất lượng – uy tín tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Hãy liên hệ ngay đến với Uy Danh để được tư vấn miễn phí và giải đáp những thắc mắc của Quý khách hàng.

CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ VÀ TƯ VẤN TAX UY DANH

●     Mã số thuế: 0315.367.844

●     Hotline: 0968.55.57.59

●     Địa chỉ: 45D Đường D5, Phường 25, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh

●     Website: uydanh.vn

●     Email: info@uydanh.vn