Hiện nay, chuyển nhượng chứng khoán là một trong số các hình thức được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Nhận thấy được sự quan tâm của doanh nghiệp, Uy Danh cung cấp một số thông tin về cách tính thuế TNDN từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, cũng như phạm vi áp dụng và một số vấn đề liên quan.
I. Cơ sở pháp lý
- Điều 15, Thông tư 78/2014/TT-BTC, áp dụng ngày 02/08/2014
- Điều 16, Thông tư số 92/2015/TT-BTC, áp dụng ngày 15/06/2015
- Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC, áp dụng ngày 31/12/2013
- Điều 15, VBHN số 26/VBHN-BTC ngày 14/09/2015.
II. Phạm vi áp dụng.
- Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp là thu nhập có được từ việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định.
- Trường hợp doanh nghiệp thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn thì phần chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá không tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Trường hợp doanh nghiệp tiến hành chia, tách, hợp nhất, sáp nhập mà thực hiện hoán đổi cổ phiếu tại thời điểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập nếu phát sinh thu nhập thì phần thu nhập này phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Trường hợp doanh nghiệp có chuyển nhượng chứng khoán không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất khác (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ…) có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Giá trị tài sản, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ…được xác định theo giá bán của sản phẩm trên thị trường tại thời điểm nhận tài sản.
III. Cách tính thuế TNDN từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán:
1. Cách xác định thuế TNDN phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán:
Thuế TNDN phải nộp | = | Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán | X | Thuế suất 20% |
2. Cách xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán:
Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán | = | Giá bán chứng khoán | – | Giá mua CK chuyển nhượng | – | Các chi phí liên quan |
a. Giá bán chứng khoán được xác định như sau:
- Đối với chứng khoán niêm yết và chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết nhưng thực hiện đăng ký giao dịch tại trung tâm giao dịch chứng khoán thì giá bán chứng khoán là giá thực tế bán chứng khoán (là giá khớp lệnh hoặc giá thỏa thuận) theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán.
- Đối với chứng khoán của các công ty không thuộc các trường hợp nêu trên thì giá bán chứng khoán là giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng.
b. Giá mua của chứng khoán được xác định như sau:
- Đối với chứng khoán niêm yết và chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết nhưng thực hiện đăng ký giao dịch tại trung tâm giao dịch chứng khoán thì giá mua chứng khoán là giá thực mua chứng khoán (là giá khớp lệnh hoặc giá thỏa thuận) theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán.
- Đối với chứng khoán mua thông qua đấu giá thì giá mua chứng khoán là mức giá ghi trên thông báo kết quả trúng đấu giá cổ phần của tổ chức thực hiện đấu giá cổ phần và giấy nộp tiền.
- Đối với chứng khoán không thuộc các trường hợp nêu trên: giá mua chứng khoán là giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng.
c. Chi phí chuyển nhượng là các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, có chứng từ, hóa đơn hợp pháp. Chi phí chuyển nhượng bao gồm những chi phí sau:
● Chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng
● Các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng;
● Phí lưu ký chứng khoán theo quy định của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và chứng từ thu của công ty chứng khoán;
● Phí ủy thác chứng khoán căn cứ vào chứng từ thu của đơn vị nhận ủy thác;
● Các chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng và các chi phí khác có chứng từ chứng minh.
Doanh nghiệp có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán thì khoản thu nhập này được xác định là khoản thu nhập khác và kê khai vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
IV. Chuyển nhượng chứng khoán có chịu thuế GTGT hay không?
Căn cứ tiết d, Khoản 8, Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định đối tượng không chịu thuế GTGT:
“Chuyển nhượng vốn bao gồm việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào tổ chức kinh tế khác (không phân biệt có thành lập hay không thành lập pháp nhân mới), chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp mua kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bán theo quy định của pháp luật”
Vì vậy, chuyển nhượng chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT
V. Kết luận.
Bài viết bên trên là toàn bộ những thông tin pháp lý liên quan đến Thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, cũng như phạm vi và cách tính loại thuế này. Nếu Quý khách hàng có khó khăn trong việc xác định thuế TNDN từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán hoặc thủ tục kế toán thì hãy liên hệ ngay đến với Uy Danh để được tư vấn miễn phí và giải đáp những thắc mắc của Quý khách hàng. Uy Danh là Công ty Dịch vụ kế toán và Thành lập doanh nghiệp mang đến sự lựa chọn hàng đầu của quý doanh nghiệp, cam kết cung cấp dịch vụ chất lượng – uy tín tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Vì thế, hãy liên hệ ngay đến với Uy Danh để được tư vấn miễn phí và giải đáp những thắc mắc của Quý khách hàng.
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ VÀ TƯ VẤN TAX UY DANH
Mã số thuế: 0315.367.844 Hotline: 0968.55.57.59
Địa chỉ: 45D Đường D5, Phường 25, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
Website: uydanh.vn Email: info@uydanh.vn