Cách hạch toán thuế giá trị gia tăng được khấu trừ

Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ dùng để phản ánh sổ thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ, đã khấu trừ của doanh nghiệp. Vậy cách để hạch toán thuế GTGT được khấu trừ như thế nào? Bài viết sẽ trình bày thật chi tiết đến bạn đọc, mời bạn tham khảo.

I.  Cơ sở pháp lý:

Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC có hiệu lực ngày 01/01/2015

II.  Nguyên tắc kế toán TK 1331:

  • Tài khoản này dùng để phản ánh số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, đã khấu trừ và còn được khấu trừ của doanh nghiệp.

Kế toán phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ. Trường hợp không thể hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào được hạch toán vào tài khoản 133. Cuối kỳ, kế toán phải xác định số thuế GTGT được khấu trừ và không được khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT.

  • Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ được tính vào giá trị tài sản được mua, giá vốn của hàng bán ra hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh tùy theo từng trường hợp cụ thể.
  • Việc xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, kê khai, quyết toán, nộp thuế phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về thuế GTGT.

III.  Kết cấu và nội dung phản ánh tk 133:

Bên Nợ:

– Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

Bên Có:

– Số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ;

– Kết chuyển số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ;

– Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa mua vào nhưng đã trả lại, được giảm giá;

– Số thuế GTGT đầu vào đã được hoàn lại.

Số dư bên Nợ:

Số thuế GTGT đầu vào còn được khấu trừ, số thuế GTGT đầu vào được hoàn lại nhưng NSNN chưa hoàn trả.

Tài khoản 133 – Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ có 2 tài khoản cấp 2:

– Tài khoản 1331 – Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ: Phản ánh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của vật tư, hàng hoá, dịch vụ mua ngoài dùng vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế.

– Tài khoản 1332 – Thuế GTGT được khấu trừ của tài sản cố định: Phản ánh thuế GTGT đầu vào của quá trình đầu tư, mua sắm tài sản cố định dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế, của quá trình mua sắm bất động sản đầu tư.

IV.   Cách hạch toán thuế GTGT được khấu trừ vào tk 133 – Thuế GTGT được khấu trừ theo TT 200/2014/TT-BTC:

1.   Khi mua hàng tồn kho, tài sản cố định (TSCĐ), bất động sản đầu tư, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:

Nợ các TK 152, 153, 156, 211, … (giá chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331,1332)

            Có các TK 111, 112, 331, … (tổng giá thanh toán)

2.  Khi mua vật tư, hàng hoá, công cụ, dịch vụ dùng ngay vào sản xuất, kinh doanh, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:

Nợ các TK 154, 642, 241, 242, … (giá chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

 Có các TK 111, 112, 331, … (tổng giá thanh toán)   

3.  Khi mua hàng hoá giao bán ngay cho khách hàng (không qua nhập kho), nếu thuế GTGT được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (Giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có các TK 111, 112, 331, …  (Tổng giá thanh toán).

4.  Khi nhập khẩu vật tư, hàng hóa, TSCĐ:

Khi nhập khẩu vật tư, hàng hoá, TSCĐ, kế toán phản ánh giá trị vật tư, hàng hoá, TSCĐ nhập khẩu bao gồm tổng số tiền phải thanh toán cho người bán (Theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế), thuế GTGT, thuế nhập khẩu (NK), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế bảo vệ môi trường phải nộp (BVMT) (nếu có), chi phí vận chuyển, ghi:

  • Trường hợp thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu không được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu (giá mua bao gồm các loại thuế: GTGT, NK, TTĐB, BVMT)

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ (giá mua bao gồm các loại thuế: GTGT, NK, TTĐB, BVMT)

Nợ TK 156 – Hàng hoá (giá mua bao gồm các loại thuế: GTGT, NK, TTĐB, BVMT)

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (giá mua bao gồm các loại thuế: GTGT, NK, TTĐB, BVMT)

Có TK 331 – Phải trả người bán

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312)

Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có)

Có TK 3333 – Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu) ( nếu có)

Có TK 33381 – Thuế bảo vệ môi trường (nếu có)

Có các TK 111, 112….

  • Nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu (giá mua bao gồm các loại thuế: NK, TTĐB, BVMT)

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ (giá mua bao gồm các loại thuế: GTGT, NK, TTĐB, BVMT)

Nợ TK 156 – Hàng hoá (giá mua bao gồm các loại thuế: NK, TTĐB, BVMT)

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (giá mua bao gồm các loại thuế: NK, TTĐB, BVMT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332) (thuế GTGT hàng nhập khẩu được khấu trừ)

Có TK 331 – Phải trả người bán

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312)

Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có)

Có TK 3333 – Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu) (nếu có)

Có TK 33381 – Thuế bảo vệ môi trường (nếu có)

Có các TK 111, 112, …                                                      

5.   Trường hợp hàng đã mua và đã trả lại hoặc hàng đã mua được giảm giá do kém, mất phẩm chất: Căn cứ vào chứng từ xuất hàng trả lại cho bên bán, các chứng từ liên quan, kế toán phản ánh giá trị hàng đã mua và thuế GTGT đã trả lại cho người bán hoặc hàng đã mua và thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 111, 112, 331 (Tổng giá thanh toán)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Thuế GTGT đầu vào của hàng mua trả lại hoặc được giảm giá)

Có các TK 152, 153, 156, 211, … (Giá mua chưa có thuế GTGT).

6.   Trường hợp không hạch toán riêng được thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:

  • Khi mua vật tư, hàng hóa, TSCĐ, ghi:

Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 213 (giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào)

            Có các TK 111, 112, 331, …

  • Cuối kỳ, kế toán tính và xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, không được khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT. Đối với thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ tính vào giá vốn hàng bán trong kỳ, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

            Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

7.  Vật tư, hàng hoá, TSCĐ mua vào bị tổn thất do thiên tai, hoả hoạn, bị mất, xác định độ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phải bồi thường thì thuế GTGT đầu vào của số hàng hoá này không được tính vào số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ khi kê khai thuế GTGT phải nộp:

  •  Trường hợp thuế GTGT của vật tư, hàng hoá, TSCĐ mua vào bị tổn thất xác định được nguyên nhân xử lý ngay, ghi:

Nợ các TK 111, 334, … (số thu bồi thường)

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu được tính vào chi phí)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

  •  Trường hợp thuế GTGT của vật tư, hàng hoá, TSCĐ mua vào bị tổn thất chưa xác định được nguyên nhân chờ xử lý, ghi:

Nợ TK 138 – Phải thu khác (1381)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332).

  •  Trường hợp thuế GTGT của vật tư, hàng hoá, TSCĐ mua vào bị tổn thất khi có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền về số thu bồi thường của các tổ chức, cá nhân, ghi:

Nợ các TK 111, 334, …  (Số thu bồi thường)

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (Nếu được tính vào chi phí)

Có TK 138 – Phải thu khác (1381).

8.  Cuối tháng, kế toán xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ vào số thuế GTGT đầu ra khi xác định số thuế GTGT phải nộp trong kỳ, ghi:

Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ.

9.  Khi được hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, ghi:

Nợ các Tk 111, 112, …

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

V.  Công thức tính thuế GTGT được khấu trừ:

Số thuế GTGT phải nộp=Số thuế GTGT đầu raSố thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó:

a) Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng.

Thuế GTGT ghi trên hóa đơn=Giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán raxThuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đó

b) Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ bằng (=) tổng số thuế GTGT ghi trên hoá đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ. Đối với những doanh nghiệp có hoạt động không chịu thuế thì cần phân bổ lại số thuế đầu vào để xác định thuế GTGT được khấu trừ

Lưu ý: Trường hợp sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ (-) giá tính thuế xác định dưới đây.

Giá chưa có thuế GTGT = Giá thanh toán / (1 + thuế suất của hàng hóa, dịch vụ (%))

VI.  Điều kiện để ghi nhận thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:

1.   Điều kiện về hóa đơn GTGT:

  • Phải có hóa đơn GTGT hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào.
  • Trong trường hợp không có hóa đơn, doanh nghiệp phải có chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo quy định áp dụng đối với trường hợp tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

2.   Điều kiện về thanh toán:

Doanh nghiệp phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (kể cả hàng hóa nhập khẩu) từ 20 triệu đồng trở lên.

Cần lưu ý đối với các trường hợp như sau thì không phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt:

  • Hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng;
  • Hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới 20 triệu đồng theo giá đã có GTGT;
  • Cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác.

Các trường hợp thanh toán không dùng tiền mặt khác để khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm:

  • Hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị mua vào và giá trị bán ra, vay mượn hàng được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa hai bên về việc thanh toán bù trừ. Đối với trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ ba phải có biên bản bù trừ công nợ của ba bên làm căn cứ.
  • Hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền, cấn trừ công nợ qua người thứ ba mà phương thức này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng bằng văn bản được lập trước đó và có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên vay đối với khoản vay bằng tiền (bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị của hàng hóa, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà người bán hỗ trợ cho người mua hoặc người bán nhờ người mua chi hộ).
  • Hàng hoá, dịch vụ mua vào được thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng bằng văn bản và bên thứ ba là pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật. Trường hợp sau khi thực hiện các hình thức thanh toán nêu trên là phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có giá trị lớn hơn hoặc bằng 20 triệu thì chỉ được khấu trừ thuế nếu có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
  • Trường hợp cuối cùng, hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán qua ngân hàng vào tài khoản của bên thứ ba mở tại Kho bạc Nhà nước để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ (theo Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thì được khấu trừ.

3.   Lưu ý đối với điều kiện được khấu trừ thuế GTGT đầu vào:

  • Trong trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới hai mươi triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Nhà cung cấp là người nộp thuế có mã số thuế, trực tiếp khai và nộp thuế GTGT.
  • Trường hợp người nộp thuế là cơ sở kinh doanh có các cửa hàng là các đơn vị phụ thuộc sử dụng chung mã số thuế và mẫu hóa đơn của cơ sở kinh doanh, trên hoá đơn có tiêu thức “Cửa hàng số” để phân biệt các cửa hàng của cơ sở kinh doanh và có đóng dấu treo của từng cửa hàng thì mỗi cửa hàng là một nhà cung cấp.

VII.  Kết luận

Bên trên là tất cả những chi tiết liên quan đến cách hạch toán thuế giá trị gia tăng được khấu trừ – TK 133 theo thông tư 200. Lưu ý các trường hợp cụ thể để áp dụng đúng, trong phần điều kiện để ghi nhận thuế GTGT được khấu trừ cần lưu ý điều kiện được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Chúc bạn thành công.

VIII.  Thông tin liên hệ

Nếu có thắc mắc thêm về cách hạch toán thuế GTGT được khấu trừ – K 133 mời bạn liên hệ với Uy Danh.

Uy Danh là Công ty Dịch vụ kế toán và Thành lập doanh nghiệp mang đến sự lựa chọn hàng đầu của quý doanh nghiệp, cam kết cung cấp dịch vụ chất lượng – uy tín tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Hãy liên hệ ngay đến với Uy Danh để được tư vấn miễn phí và giải đáp những thắc mắc của Quý khách hàng.

  • CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ VÀ TƯ VẤN TAX UY DANH
  • Mã số thuế: 0315.367.844             Hotline: 0968.55.57.59
  • Địa chỉ: 45D Đường D5, Phường 25, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
  • Website: uydanh.vn                        Email: info@uydanh.vn
plugins premium WordPress