Doanh nghiệp khi mua hàng cần phải có hóa đơn thuế giá trị gia tăng. Vậy nếu như doanh nghiệp không có thì sao? Cách xử lý sẽ như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về vấn đề này nhé:
Căn cứ pháp lý
Theo khoản 2 điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định:
“2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:
– Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;
– Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;
– Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;
– Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;
– Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
– Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).
Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”
Như vậy:
Nếu:
– Mua hàng hóa của người dân tự sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra.
– Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra.
– Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh có mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm.
=> Thì phải lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC.
Nếu Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
=> Thì yêu cầu cá nhân liên hệ với Chi cục Thuế nơi cư trú để hướng dẫn lập hóa đơn lẻ giao cho Công ty và kê khai nộp thuế theo quy định.
Nếu thuê cá nhân dạng: Hợp đồng lao động thời vụ, hợp đồng giao khoán.
=> Thì phải khấu trừ thuế TNCN
Cách xử lý hàng mua không có hóa đơn thuế GTGT
Nếu DN mua hàng hoá, dịch vụ, tài sản của:
– Mua hàng hóa của người dân tự sản xuất, đánh bắt, khai thác…
– Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân KHÔNG kinh doanh.
– Mua hàng hóa, dịch vụ của hộ, Cá nhân KINH DOANH có mức doanh thu < 100 triệu /năm
=> Cách xử lý để đưa vào chi phí hợp lý, DN cần chuẩn bị:
– Hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ.
– Chứng từ thanh toán: Tiền mặt hoặc chuyển khoản đều được (Vì không có hóa đơn).
– Biên bản bàn giao hàng hóa.
– Bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào không có hóa đơn mẫu 01/TNDN (ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC).
Nếu mua hàng hóa, dịch vụ của:
– Cá nhân, hộ KINH DOANH có mức doanh thu từ 100 triệu /năm trở lên:
-> Thì yêu cầu Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đó phải liên hệ với Chi cục thuế nơi cư trú để kê khai, nộp thuế môn bài, thuế GTGT, TNCN
-> Và Cơ quan thuế sẽ cấp hóa đơn bán hàng để Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh giao cho DN.
=> Cách xử lý để đưa vào chi phí hợp lý, DN cần chuẩn bị:
– Hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ …
– Chứng từ thanh toán (Nếu trên 20tr phải chuyển khoản, vì có hóa đơn)
– Hóa đơn bán hàng (Mua của chi cục thuế)
– Biên bản bàn giao hàng hóa, dịch vụ,
Nếu thuê cá nhân làm dịch vụ (Hợp đồng thời vụ, giao khoán):
Như: Thuê cá nhân, tổ đội xây dựng, thuê tổ đội lắp đặt, thuê cá nhân vận chuyển
Chi phí thuê cá nhân thi công lắp đặt:
Theo Công văn số 56620/CT-TTHT ngày 21/8/2017 của Cục Thuế TP. Hà Nội:
– Trường hợp cá nhân đội trưởng đại diện cho một nhóm cá nhân lao động (theo ủy quyền) ký hợp đồng thi công lắp đặt hệ thống thoát nước với Công ty, nhận thu nhập từ Công ty mang tính chất tiền lương, tiền công thì Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 25 Thông, tư số 111/2013/TT-BTC nêu trên trước khi chi trả cho các cá nhân.
-> Cơ quan thuế không cấp hóa đơn lẻ trong trường hợp này.
– Trường hợp cá nhân đội trưởng là cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, lắp đặt phù hợp với quy định của pháp luật, kê khai theo phương pháp khoán, không sử dụng hóa đơn, ký hợp đồng cung cấp dịch vụ xây dựng, lắp đặt với Công ty, nếu có nhu cầu sử dụng hóa đơn lẻ thì cơ quan thuế bán hóa đơn lẻ cho cá nhân kinh doanh theo từng lần phát sinh và không thu tiền.
-> Tỷ lệ % thuế GTGT, TNCN, đối với hoạt động cung cấp dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu là 5% và 2% theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC nêu trên. Cụ thể: DN bạn thuê dịch vụ xây dựng của 1 đội nhân công (có 1 người đứng ra làm đội trưởng)
– Nếu đội trưởng là người đại diện (theo ủy quyền) thì DN khấu trừ 10% thuế TNCN (Cơ quan thuế sẽ không cấp hóa đơn).
– Nếu đội trưởng là cá nhân kinh doanh thì Cá nhân đó phải mang hợp đồng, chứng từ thanh toán, biên bản nghiệm thu, CMT… lên cơ quan thuế để mua hóa đơn bán lẻ
-> Sau đó thì đưa cho DN.
Chi phí thuê hợp đồng giao khoán nhân công:
Theo Công văn 10132/CT-TTHT ngày 16/10/2017 của Cục thuế TP. Hồ chí Minh:
“Căn cứ công văn số 2547/TCT-TNCN ngày 12/6/2017 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế TNCN đối với hợp đồng nhân công thuê ngoài; Trường hợp của Công ty theo trình bày, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhận thầu thi công các hạng mục công trình cho khách hàng. Một số phần công việc thi công Công ty giao khoán cho cá nhân không đăng ký kinh doanh thực hiện theo hợp đồng ký kết giao khoán nhân công (không bao thầu nguyên vật liệu và Công ty chịu thuế TNCN) thì khoản chi phí này (bao gồm số thuế TNCN Công ty nộp thay cá nhân là 10% trên giá trị hợp đồng) Công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC).”
Theo Công văn 2547/TCT-TNCN ngày 12/06/2017 của Tổng cục thuế:
“Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp Công ty TNHH MTV cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp (Công ty) ký hợp đồng với cá nhân không có đăng ký kinh doanh để thi công lắp đặt đường ống, duy tu, sửa chữa các công trình cấp thoát nước, chăm sóc cây xanh, xây dựng cầu đường … thì thu nhập mà cá nhân nhận được thuộc diện chịu thuế theo quy định về tiền lương, tiền công. Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo thuế suất 10% trước khi chi trả cho cá nhân, không phân biệt cá nhân là đại diện cho nhóm cá nhân. Cục Thuế không cấp hóa đơn lẻ cho cá nhân đối với trường hợp này.”
Chi phí thuê nhà của cá nhân, chi phí thuê xe ô tô của cá nhân:
Theo khoản 2.5 điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC
– Nếu DN thuê tài sản của cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản.
– Nếu DN thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thoả thuận doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản, chứng từ trả tiền thuê tài sản và chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân.
– Nếu DN thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ tổng số tiền thuê tài sản bao gồm cả phần thuế nộp thay cho cá nhân.
Theo Công văn 15335/CT-TTHT ngày 05/04/2019 của Cục thuế TP Hà Nội:
– Trường hợp Công ty thuê tài sản (xe ô tô) của ông Y là cá nhân không kinh doanh với số tiền trên 100 triệu đồng/ năm mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế (thuế GTGT, thuế TNCN) và Công ty nộp thuế thay cho cá nhân thì được tính vào chi phí được trừ tổng số tiền thuê tài sản bao gồm cả phần thuế nộp thay cho cá nhân.
-> Công ty liên hệ với Chi cục Thuế nơi cá nhân có tài sản cho thuê để kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân cho thuê tài sản theo quy định. Công ty căn cứ vào hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản để xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN theo quy định tại Điều 4, Thông tư 96/2015/TT BTC nêu trên.
Như vậy:
- Nếu trên hợp đồng thể hiện là bên DN chịu thuế thay:
– Nếu mức thuê < 100tr/năm thì DN cần chuẩn bị: Hợp đồng thuê nhà, chứng từ thanh toán, bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào không có hóa đơn mẫu 01/TNDN.
- Nếu trên hợp đồng thể hiện là Cá nhân chịu thuế
– Dù là trên hay dưới 100tr thì Dn chỉ cần chuẩn bị: Hợp đồng thuê nhà, chứng từ thanh toán.
Mong là những thông tin của chúng tôi sẽ giúp ích được cho các bạn. Nếu các bạn còn thắc mắc vẫn chưa có câu trả lời về vấn đề trên hoặc những vấn đề liên quan đến thuế cũng có thể liên hệ với chúng tôi bằng cách gọi hoặc để lại thông tin để chúng tôi tiện liên lạc để giải đáp:
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ VÀ TƯ VẤN TAX UY DANH
Điện thoại: 0968.55.57.59
Webside: uydanh.vn
Email: info@uydanh.vn