CÁC TRƯỜNG HỢP GIẢM THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Đối tượng nào được giảm thuế Thu nhập cá nhân ? Hồ sơ, thủ tục giảm thuế thu nhập cá nhân bao gồm những trường hợp nào? và các vấn đề pháp lý liên quan đến việc nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ được Uy Danh tư vấn và giải đáp cụ thể qua bài viết dưới đây.

I.            Cơ sở pháp lý.  

  • Điều 5 luật thuế thu nhập cá nhân
  • Theo Điều 5 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013
  • Theo Điều 4 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013
  • Theo Điều 46 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013
  • Theo Điều 4 Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BTC ngày 14/03/2016

II.            Các trường hợp giảm thuế thu nhập cá nhân

Các trường hợp được xét miễn giảm thuế TNCN theo quy định áp dụng khi người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh  hiểm nghèo làm ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

1.      Căn cứ xác định số thuế được giảm: 

1.1. Việc xét giảm thuế được thực hiện theo năm tính thuế. Người nộp thuế gặp  khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo trong năm tính thuế nào  thì được xét giảm số thuế phải nộp của năm tính thuế đó;  

1.2. Số thuế phải nộp làm căn cứ xét giảm thuế là tổng số thuế thu nhập cá nhân  mà người nộp thuế phải nộp trong năm tính thuế, bao gồm:  

a) Thuế thu nhập cá nhân đã nộp hoặc đã khấu trừ đối với thu nhập từ đầu tư vốn, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu  nhập từ trúng thưởng, thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhượng quyền thương  mại, thu nhập từ thừa kế; thu nhập từ quà tặng.  

b) Thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ kinh doanh và thu  nhập từ tiền lương, tiền công.  

1.3.Căn cứ để xác định mức độ thiệt hại được giảm thuế là tổng chi phí thực tế để khắc phục thiệt hại trừ (-) đi các khoản bồi thường nhận được từ tổ chức bảo  hiểm (nếu có) hoặc từ tổ chức, cá nhân gây ra tai nạn (nếu có);  

1.4. Số thuế giảm được xác định như sau:  

– Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế lớn hơn mức độ thiệt hại  thì số thuế giảm bằng mức độ thiệt hại. 

– Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế nhỏ hơn mức độ thiệt  hại thì số thuế giảm bằng số thuế phải nộp.

III.            Hồ sơ, thủ tục xét giảm thuế thu nhập cá nhân được thực hiện qua 3 bước:

■          Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ

   Theo điểm b khoản 1 Điều 46 Thông tư 156/2013/TT-BTC, người nộp thuế thuộc các trường hợp được giảm thuế thu nhập cá nhân phải chuẩn bị hồ sơ như sau:

❖               Trường hợp 1: Người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn

– Văn bản đề nghị giảm thuế theo mẫu số 18/MGT-TNCN có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn.

– Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền và có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn theo mẫu số 02/MGTH;

Cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ, giá trị thiệt hại là cơ quan tài chính hoặc các cơ quan giám định xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản.

+ Trường hợp thiệt hại về hàng hoá, dịch vụ: người nộp thuế cung cấp Biên bản giám định (chứng thư giám định) về mức độ thiệt hại của cơ quan giám định và cơ quan giám định phải chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của chứng thư giám định theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp thiệt hại về đất đai, hoa màu thì cơ quan tài chính có trách nhiệm xác định.

– Chứng từ bồi thường của cơ quan bảo hiểm (nếu có) hoặc thỏa thuận bồi thường của người gây hỏa hoạn (nếu có).

– Các chứng từ chi liên quan trực tiếp đến việc khắc phục thiên tai, hỏa hoạn.

– Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc đối tượng phải quyết toán thuế).

❖       Trường hợp 2: Người nộp thuế gặp khó khăn do bị tai nạn

– Văn bản đề nghị giảm thuế theo mẫu số 18/MGT-TNCN.

– Văn bản hoặc biên bản xác nhận tai nạn có xác nhận của cơ quan công an hoặc xác nhận mức độ thương tật của cơ quan y tế.

– Giấy tờ xác định việc bồi thường của cơ quan bảo hiểm hoặc thỏa thuận bồi thường của người gây tai nạn (nếu có).

– Các chứng từ chi liên quan trực tiếp đến việc khắc phục tai nạn.

– Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc đối tượng phải quyết toán thuế).

❖       Trường hợp 3: Người nộp thuế mắc bệnh hiểm nghèo

– Văn bản đề nghị giảm thuế theo mẫu số 18/MGT-TNCN.

– Bản chụp hồ sơ bệnh án hoặc sổ khám bệnh.

– Các chứng từ chứng minh chi phí khám chữa bệnh do cơ quan y tế cấp; hoặc hóa đơn mua thuốc chữa bệnh kèm theo đơn thuốc của bác sĩ.

– Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc đối tượng phải quyết toán thuế).

■          Bước 2: Nộp hồ sơ

Người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo nộp hồ sơ tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú.

■          Bước 3: Giải quyết

Sau khi tiếp nhận hồ sơ thì cơ quan thuế trực tiếp kiểm tra hồ sơ và ra quyết định miễn thuế.

IV.            Kết luận

Như vậy, đối tượng được giảm thuế TNCN là những người lao động gặp những khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh  hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế. Tuy nhiên, người lao động phải xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại và không vượt quá số thuế phải nộp. Dựa vào từng trường hợp mà hồ sơ xét giảm thuế sẽ khác nhau.

Trên đây là bài viết cung cấp toàn bộ những thông tin pháp lý liên quan đến các trường hợp giảm thuế TNCN. Để được tìm hiểu thêm những thông tin về Dịch vụ kế toán và Dịch vụ thành lập doanh nghiệp hãy liên hệ ngay đến Uy danh để được tư vấn miễn phí, hỗ trợ và giải quyết những vấn đề của khách hàng một cách nhanh chóng – chính xác và tiết kiệm thời gian. Uy Danh – Sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp!

CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ VÀ TƯ VẤN TAX UY DANH

  • Địa chỉ: 45D Đường D5, Phường 25, Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
  • Mã số thuế: 0315 367 844          Hotline: 0968.55.57.59
  • Website: Uydanh.vn –               Email: Info@uydanh.vn