Phương án chữa cháy theo Nghị định 136 PCCC

Nghị định 136 PCCC quy định về hoạt động phòng cháy và chữa cháy, tổ chức lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy, kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, kinh phí bảo đảm cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
  • Nghị định 136/2020/NĐ-CP

Phương án chữa cháy theo Nghị định 136 PCCC

Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001: “Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường.”

Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001: “Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy.”

Phương án chữa cháy

Theo Khoản 2 Điều 19 Nghị định 136/2020/NĐ-CP Các phương án chữa cháy cần phải đảm bảo những yêu cầu và nội dung cơ bản theo Khoản 2 Điều 19 Nghị định 136/2020/NĐ-CP đó là:

Nêu được tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy;

Đề ra tình huống cháy phức tạp nhất và một số tình huống cháy đặc trưng khác có thể xảy ra, khả năng phát triển của đám cháy theo các mức độ khác nhau;

Đề ra kế hoạch huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy, biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và các công việc phục vụ chữa cháy phù hợp với từng giai đoạn của từng tình huống cháy;

Phương án chữa cháy phải được bổ sung, chỉnh lý kịp thời và được cấp có thẩm quyền phê duyệt lại khi có những thay đổi lớn về quy mô, tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy.

Trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy và phối hợp xây dựng phương án chữa cháy

Phương án chữa cháy của cơ sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy của cơ sở đối với khu dân cư, cơ sở, phương tiện sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ trong phạm vi quản lý (Mẫu số PC 17);

Đối với những cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy đều phải có trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy của cơ sở.

Phương án chữa cháy của cơ quan Công an sẽ do:

Trưởng Công an cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy của cơ quan Công an đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy (Mẫu số PC 18);

Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy của cơ quan Công an đối với các cơ sở còn lại thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, phương án chữa cháy cần huy động lực lượng Công an, Quân đội, cơ quan, tổ chức đóng ở địa phương và lực lượng Công an của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Mẫu số PC18).

Đối với các cơ sở thuộc diện nguy hiểm về cháy nổ (phủ lục II) thì phải có phương án chữa cháy của cơ sở phối hợp với phương án chữa cháy của cơ quan Công an.

Khi xây dựng phương án chữa cháy, cơ quan Công an phải thông báo trước 03 ngày làm việc cho người đứng đầu cơ sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao về thời gian xây dựng phương án và những yêu cầu cần thiết cho việc xây dựng phương án.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, người đứng đầu cơ sở quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này có trách nhiệm cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết liên quan tới việc xây dựng phương án chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan Công an, bố trí người tham gia và bảo đảm các điều kiện phục vụ xây dựng phương án chữa cháy.

Hồ sơ thủ tục đề nghị phê duyệt phương án chữa cháy theo Nghị định 136 PCCC

Căn cứ theo Khoản 4,5,6,7 Điều 19 Nghị định 136/2020/NĐ-CP trình tự thủ tục nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án chữa cháy như sau:

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở (Mẫu số PC 19);

b) 02 bản phương án chữa cháy của cơ sở đã được người có trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án ký tên, đóng dấu (nếu có).

Nộp hồ sơ theo một trong các hình thức sau:

a) Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;

b) Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền (đối với các văn bản, giấy tờ thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước);

c) Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.

2. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần, tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện theo các quy định sau:

a) Trường hợp hồ sơ đầy đủ thành phần và hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều này thì tiếp nhận và ghi thông tin vào Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC03);

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần hoặc chưa hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều này thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định và ghi thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC04).

3. Thông báo kết quả xử lý hồ sơ:

a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải giao trực tiếp 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho người đến nộp hồ sơ và lưu 01 bản;

b) Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền, cán bộ tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ;

c) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó và lưu 01 bản.

Vì phương án chữa cháy rất quan trọng và bắt buộc với mỗi cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy là nơi sản xuất, kinh doanh, trụ sở làm việc, công trình công cộng, khu chung cư,…nên cần có hồ sơ về phương án chữa cháy, mỗi cơ sở phải có phương án chữa cháy riêng tùy thuộc vào tình hình của cơ sở đó.

Xây dựng phương án chữa cháy nhằm giúp đảm bảo an toàn về tính mạng, đảm bảo về lợi ích, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của cơ sở.

Quản lý phương án chữa cháy theo Nghị định 136 PCCC

Phương án chữa cháy của cơ sở được quản lý tại cơ sở, khu dân cư, trên phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;

Phương án chữa cháy của cơ quan Công an được quản lý tại cơ quan Công an trực tiếp xây dựng phương án. Cơ quan, tổ chức có lực lượng, phương tiện tham gia trong phương án được sao gửi, phổ biến những nội dung liên quan đến nhiệm vụ của mình.

Trách nhiệm tổ chức thực tập phương án chữa cháy:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết, tổ chức thực tập phương án chữa cháy của cơ sở, khu dân cư, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của mình;

Cơ quan Công an có trách nhiệm tổ chức thực tập phương án chữa cháy của cơ quan Công an theo yêu cầu của người có thẩm quyền phê duyệt;

Lực lượng, phương tiện có trong phương án chữa cháy khi được huy động thực tập phải tham gia đầy đủ;

Người có trách nhiệm tổ chức thực tập phương án chữa cháy của cơ sở phải gửi kế hoạch, báo cáo kết quả tổ chức thực tập phương án chữa cháy đến cơ quan Công an quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực tập phương án chữa cháy.

Câu hỏi thường gặp về Nghị định 136 PCCC

Theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP, xe ô tô 4 chỗ có phải lắp bình chữa cháy không?

Xe ô tô trên 04 chỗ không còn phải lắp bình chữa cháy trên xe. Điều 8 Nghị định này quy định điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy với phương tiện giao thông cơ giới từ 04 chỗ ngồi trở lên đến 09 chỗ ngồi chỉ cần:

– Đảm bảo điều kiện hoạt động đã được kiểm định;

– Vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP, hộ gia đình phải đáp ứng điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy như thế nào?

Điều 7 Nghị định này quy định điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình như sau:

– Hộ gia đình phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau:

Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

– Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

+ Điều kiện như đối với hộ gia đình;

+ Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

+ Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.

Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy của khu dân cư thế nào?

Điều 6 Nghị định này quy định điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy của khu dân cư gồm:

– Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy;

– Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng;

– Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

– Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy theo yêu cầu chữa cháy tại chỗ.